ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC VÀ THỰC HIỆN 7 XÂY 7 CHỐNG TRONG QUY ĐỊNH NÊU GƯƠNG 

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, câu thành ngữ giản dị mà sâu sắc được lưu truyền từ lâu trong nhân dân đã nói lên vai trò, tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “ đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”. “Đi trước” ở đây được hiểu là sự tiên phong, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm; “đi trước” còn là biểu hiện của một sự hy sinh. Đối với quần chúng, nêu gương không phải là những điều quá cao xa, to tát, mà chính là những việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong điều kiện Đảng ta duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, bằng sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, thì nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là giá trị đạo đức mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nêu gương chính là hành động tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, có tính thuyết phục, thuận lòng người, có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo trên tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Thấm nhuần quan điểm đó, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và yêu cầu phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Vừa qua, Quy định số 08-QĐi/TW của Hội nghị BCH Trung ương 8 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” ra đời thực sự có ý nghĩa lớn về mặt chính trị bởi so với Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 7/6/2012, Quy định mới này được nâng tầm cả về cấp ban hành, từ Ban Bí thư lên Ban Chấp hành Trung ương và đối tượng thực hiện, từ cán bộ, đảng viên đến cán bộ chủ chốt các cấp, lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Điều đó khẳng định thêm ý chí, quyết tâm xây dựng Đảng trong sach, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trên cơ sở 8 nội dung cơ bản trong Quy định 08-QĐi/TW của BCH Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Quy định 28-QĐ/TU quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện từ cán bộ, đảng viên bình thường đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh, lên đến Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Quy định của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành hai nhóm nội dung “ 7 xây, 7 chống” với những việc cần làm, những việc phải tránh, trên tinh thần “có xây, có chống và xây trước, chống sau” cũng như cơ chế giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện... Theo đó, Tỉnh ủy đặt ra 7 nhóm yêu cầu về gương mẫu đi đầu và 7 nhóm yêu cầu về kiên quyết chống trên các mặt: (1) Tư tưởng chính trị, (2) Đạo đức lối sống, (3) Ý thức tổ chức kỷ luật, (4) Tự phê bình và phê bình, (5) Đoàn kết nội bộ, (6) Quan hệ với nhân dân và (7) Trách nhiệm trong công tác, thực sự là thước đo về sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị công tác nào. Trong đó, Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí  lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu đi đầu trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, công bằng, chính trực, trọng dụng người tài; gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt phải hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; công tâm, trách nhiệm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ. Thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền. Nghiêm túc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp uỷ đảng với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

Đối với công việc, Tỉnh ủy quy định nội dung nêu gương không chỉ ở việc nêu cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc, sẵn sàng đảm nhận khâu khó, việc khó mà còn phải năng động, sáng tạo, chủ động thực hiện các chủ trương thí điểm của cấp trên, mạnh dạn triển khai các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao rằng “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cán bộ, đảng viên còn phải gương mẫu đi đầu trong học tập, nghiên cứu, lãnh đạo việc vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động sản xuất, công tác, thực hiện cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Sự nêu gương trong công việc còn thể hiện ở chỗ làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc, như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên, đó là phải “đúng vai, thuộc bài”, mỗi người đều làm đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì tất cả sẽ chuyển động, sẽ tốt lên. Phải biết chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận; chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khao khát cống hiến; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Để thực hiện tốt các nội dung về gương mẫu đi đầu “ 7 xây” nêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu về nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống (“7 chống”). Đó là, kiên quyết chống lối sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo vun vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Kiên quyết chống việc bản thân hoặc để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí bê tha, xa hoa, phô trương, lãng phí, mê tín dị đoan; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Chống lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc; chống tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để trục lợi..., chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác.  Cán bộ chủ chốt cũng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; nói một đằng làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu. Không được can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ, vào công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản Nhà nước. Thực tiễn cho thấy không thiếu những trường hợp cán bộ không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, làm việc qua loa đại khái, kém hiệu quả. Không ít người tham vọng chức quyền nhưng lại kén chọn việc dễ, chọn nơi có nhiều lợi ích, né tránh việc khó, chỉ nhìn thấy trước mắt hay tập trung giải quyết những vấn đề có lợi cho riêng mình. Nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng không còn coi tổ chức đảng là nơi để mình cống hiến, để mình hy sinh, để mình phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng như đã từng tuyên thệ khi vào Đảng mà coi đây là nơi tạo ra điều kiện để họ “vinh thân phì gia”. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó diễn ra ngay tại cái “gốc” của công việc là cán bộ, là nguyên nhân làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ mà Đảng ta đang ra sức chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc.

Đối với nhân dân, vị trí, vai trò của Đảng, hình ảnh của Đảng được hiện hữu một cách trọn vẹn ở người cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, bất cứ một sự hoen mờ nào của cán bộ, đảng viên cũng đều ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng. Thiếu gương mẫu là một biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng về thực hiện tính tiên phong, sự hy sinh, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Do vậy, việc cấp ủy Đảng ban hành Quy định nêu gương và yêu cầu bắt buộc thực hiện “7 xây, 7 chống” đối với cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng nói chung và rèn luyện cán bộ, đảng viên nói riêng. Thực hiện nêu gương bằng những quy định cụ thể, chế tài rõ ràng không chỉ là cam kết chính trị giữa người cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng mà cao hơn là cam kết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Chỉ có đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn biết rèn luyện, tu dưỡng, gương mẫu đi đầu “ lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì mới có thể thuyết phục được quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng và noi theo, đúng với tinh thần câu nói của Nhân dân “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” rất đỗi bình dị, sâu sắc và luôn vẹn nguyên giá trị này. Nguyễn Thị Hải Yến

1388 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 759
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 759
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76785265