|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành tựu của ngành ngoại giao luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thấm đẫm truyền thống, bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình bày tham luận “Xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát huy truyền thống ngoại giao hoà hiếu nhưng quật cường của dân tộc, ngoại giao luôn là mặt trận chiến lược, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, ngoại giao cùng các cấp, các ngành đóng góp quan trọng vào giữ môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành tựu của ngành ngoại giao luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết.
“Chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành, bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh về tổ chức và lực lượng. Đặc biệt, đã từng bước xây dựng một trường phái ngoại giao Việt Nam, độc đáo dựa trên nền tảng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đẫm truyền thống bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới. Với thế và lực mới sau 35 năm đổi mới, cả nước ta đang ra sức chiến đấu với ý chí, quyết tâm cao, thực hiện khát vọng và tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỉ XXI và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong khi đó, thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp, khó lường, mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức lớn đối với môi trường an ninh và phát triển của nước ta.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại hội XIII đã xác định rõ định hướng bao trùm của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Để thực hiện những định hướng lớn nói trên, Đại hội XIII đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
“Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại, ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ nhằm hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Thứ nhất, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao nguồn lực vị thế của đất nước; tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, khôn khéo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trong mối tương quan chặt chẽ với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thứ hai, triển khai toàn diện và gắn kết chặt chẽ giữa các trụ cột, "binh chủng đối ngoại", bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Tranh thủ tối đa các mối quan hệ chính trị tốt đẹp, các yếu tố quốc tế thuận lợi, các thoả thuận quốc tế nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, kết hợp hiệu quả với nguồn lực trong nước phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Thứ ba, không ngừng đổi mới sáng tạo trong đối ngoại và ngoại giao, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa, đổi mới và phát triển. Trong đó, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, truyền thống, bản sắc ngoại giao Việt Nam, đồng thời liên tục cập nhật, bổ sung, phát triển và hoàn thiện nhận thức chủ trương, chính sách, sách lược ngoại giao phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, tích cực tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới như ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao môi trường, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng,…
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa ngoại giao với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội; đẩy mạnh, xây dựng, hoàn thành thể chế chính sách pháp luật cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao; đổi mới, kiện toàn các cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các cấp các ngành trong triển khai đối ngoại; kiện toàn tổ chức bộ máy ngành ngoại giao cả trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tinh gọn, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Đẩy mạnh hiện đại hoá, chuyển đổi số ngành ngoại giao.
Cuối cùng, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, điều cốt yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Tiếp tục đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, trong đó đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ ngoại giao, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
“Phát huy truyền thống vẻ vang và thành tựu 35 năm đổi mới, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại để tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, vì một nước Việt Nam XHCN độc lập, hoà bình, hùng cường và thịnh vượng”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu./.
Nguyễn Hoàng