Với quan điểm đó, ngày 11 tháng 11 năm 1998, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW“Về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam”. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, ngày 09 tháng 7 năm 2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo Kết luận số 145-TB/TW; Và Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”.
Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, giải quyết một cách căn bản hơn những vấn đề liên quan đến trí thức, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới. Tại Nghị quyết này, Đảng ta đã nêu quan điểm “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”; “Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định”. Còn đối với đội ngũ trí thức Đảng đưa ra thông điệp “Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiếp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, năm 2010, chính xác là ngày 16/4/2010, nghĩa là sau đó chỉ hai năm, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW "Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước". Chỉ thị nhấn mạnh: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, một tổ chức chính trị -xã hội, ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Vậy là, chỉ hơn một thập kỷ, Đảng ta ban hành 4 văn bản để lãnh đạo công tác trí thức.
Đáp lại sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng với đội ngũ trí thức cả nước, trí thức Quảng Trị đã có bước phát triển, trưởng thành cả về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức; phát huy năng lực, sở trường; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; tổ chức phong trào sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Các hoạt động của hội trí thức thuộc Liên hiệp hội đa dạng và phong phú với nhiều giải pháp thiết thức lại được thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, tổ chức phát động phong trào thi đua trong hoạt động khoa học, sáng kiến cải tiến trong sản xuất và đời sống xã hội...tham gia hội chợ công nghệ, hội thảo, hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ; phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ....Đặc biệt, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, dự án, đề án kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh mà còn là dịp để Liên hiệp hội và các tổ chức hội tập hợp lực lượng khoa học và công nghệ vì sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của địa phương. Kết quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là sự đóng góp thiết thực của Liên hiệp hội đối với tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của Liên hiệp hội.
Năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW. Đây không chỉ là dịp để “nhìn lại” mà còn là bước chuyển quan trọng sang một giai đoạn mới.
Soát xét lại mình, chúng ta thấy bên cạnh nhiều việc đã làm và làm tốt thì đâu đó, nhận thức của một số cấp uỷ và một bộ phận Nhân dân về công tác trí thức chưa đầy đủ và sâu sắc; việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về công tác trí thức vẫn còn lúng túng và chưa quyết liệt. Việc cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết đã nêu thành cơ chế, chính sách chưa có tính đột phá cao; thiếu sức hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút đội ngũ trí thức nhất là chuyên gia đầu ngành đối với những ngành tỉnh đang còn thiếu. Và thêm nữa là tính chủ động của cơ quan Liên hiệp hội trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn nặng về hành chính. Một số hội thành viên hoạt động còn hạn chế.
10 năm trước đây, khi Đảng ta ban hành nghị quyết về công tác trí thức, chúng ta chỉ nói đến kinh tế tri thức, cách mạng khoa học và công nghệ. Giờ đây, những khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp thông minh, thành phố thông minh, kết nối thông minh, internet kết nối vạn vật, nền kinh tế số… đã trở nên phổ biến và đang chi phối mạnh mẽ tới từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trí thức của con người vốn đã được khẳng định là quan trọng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thậm chí người ta còn nói đến chiến tranh trí tuệ. Và tất nhiên, sự cạnh tranh quốc gia sẽ phụ thuộc vào hàm lượng chất xám mà quốc gia đó sở hữu và sử dụng có hiệu quả hay không. Trong chiến lược phát triển của các quốc gia, xây dựng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức là chiến lược mang tầm thời đại. Điều này, đang đặt lên vai trí thức hết sức nặng nề, tuy nhiên không phải không làm được. Bởi cũng cách đây 10 năm, Đảng ta đã tin tưởng rằng: “Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Niềm tin đó đã đang được nhân lên, thôi thúc đội ngũ trí thức phấn đấu và trưởng thành./. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ