Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 

Ban hành một số chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc tiến cử và sử dụng cán bộ là trí thức, khắc phục tình trạng hành chính hóa, thiếu công khai minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý. Xây dựng và thực hiện cơ chế tạo điều kiện để trí thức trong các ngành, lĩnh vực phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của đất nước.

Từ năm 2008 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật liên quan hoặc điều chỉnh trực tiếp về đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Trong đó, đã thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (ban hành năm 2008) tương đối cụ thể, toàn diện trên các khía cạnh thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đề cao trách nhiệm, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Các luật, nghị quyết của Quốc hội đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; tạo cơ chế cho các hoạt động tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức; tạo động lực thúc đẩy đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo nền tảng đổi mới cơ chế quản lý, coi trọng tài năng, năng lực của đội ngũ trí thức, công chức, viên chức; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia xây dựng đất nước; trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai, ban hành nhiều chính sách đối với nhiều đối tượng, cụ thể: Chính sách đối với trí thức là cán bộ lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo; chính sách đối với công chức, viên chức; chính sách trong lực lượng vũ trang; chính sách đối với doanh nhân, khu vực ngoài nhà nước; chính sách đối với trí thức hoạt động trong các tổ chức quần chúng; chính sách đối với trí thức trẻ; chính sách đối với trí thức Việt Nam ở nước ngoài; chính sách theo vùng, miền, thành phần dân tộc; chính sách đối với nữ trí thức…

Công tác tôn vinh đội ngũ trí thức cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước được Đảng, Nhà nước quan tâm: Hằng năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng công tác thi đua - khen thưởng nhằm khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ . Từ năm 2013, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức gặp mặt đầu xuân các đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ trong cả nước; rất nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức gặp mặt thường niên đại diện trí thức, văn nghệ sĩ người địa phương; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức xét tặng danh hiệu vinh dự và giải thưởng nhà nước cho trí thức, văn nghệ sĩ, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Nhà nước đã cụ thể hóa các luật quan trọng1 nhằm thu hút, sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã từng bước hoàn thiện và vận dụng cơ chế chính sách để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động. Chính phủ đã ban hành các quy định kéo dài tuổi lao động đối với các trí thức có năng lực, trình độ cao2. Nhiều tỉnh và thành ủy đã chủ động tạo cơ chế để đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phổ biến những tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chú trọng phối hợp và hợp tác với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc tập hợp và phát huy vai trò của trí thức khoa học và công nghệ; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tập hợp, đoàn kết tổ chức thành viên hoạt động vì lợi ích chung của Liên hiệp Hội. Nhiều địa phương, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tham gia làm lãnh đạo hội trí thức trên địa bàn. Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và trí thức được tiến hành thường xuyên, trên tinh thần cởi mở, dân chủ; các vấn đề được bàn bạc công khai, đặc biệt là tham mưu trên các lĩnh vực, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện sự coi trọng vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

 

 

Tiếp tục khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức (Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023) khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đảng ta chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./. Phan Văn Lãn

------------------

1. Như: Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013 và các văn bản thi hành, Quyết định 08/QĐ-BKHCN về việc ban hành quy chế thi đua, khen thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tư 08/TT-BNV (2017) của Bộ Nội vụ về công tác thi đua, khen thưởng, gần đây nhất Quốc hội đã sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 15/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Chính sách thu hút các chuyên gia, trí thức là người Việt sống ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam làm việc đã được ban hành sau Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi. Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ.

2. Như: Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, ngày 20/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, quy định kéo dài thời gian làm việc cho trí thức có năng lực, trình độ cao thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, ngày 12/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Điều 19, Điều 22 và Điều 23 của Luật Khoa học và Công nghệ về chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ, đào tạo nhân lực, nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ; Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, ngày 02/8/2022 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm sự tương quan trong việc thực hiện quy định tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức.

 

 

282 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 978
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 978
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190310