Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng chiến lược, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng 

Tháng 02/1930, qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối Cách mạng Việt Nam. Trong đó, có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để sau đó Đảng ta xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định: Hội phản đế đồng minh phải bảo đảm tính công nông, đồng thời, phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.

Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc, là thành quả của kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đủ trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Sau này, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã trải qua nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng: Hội Phản đế Liên minh (03/1935 - 10/1936); Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938); Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940); Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940 - 5/1941); Mặt trận Việt Minh (thành lập từ tháng 5/1941); Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt… Từ ngày 31/01/1977 đến 04/02/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Gần một thế kỷ đã qua, với nhiều hình thức tổ chức khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Nhân dân, là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc là biểu trưng cho lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XIII đã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của BCH Trung ương khóa IX “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và đề ra những nhiệm vụ cơ bản, tiếp tục khẳng định đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng chiến lược, là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là:

-  Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới

Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chú trọng công tác chính trị tư tưởng, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung; trách nhiệm công dân; đạo đức xã hội cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Chủ động phát hiện từ sớm, từ xa, kịp thời xử lý, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các âm mưu, hành động chia rẽ Nhân dân với Đảng và Nhà nước, chia rẽ và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách phù hợp với giai đoạn mới nhằm phát huy mạnh mẽ các giai tầng xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển của cả dân tộc

Tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ trương, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn giai đoạn mới nhằm tăng cường, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sự đóng góp của các tầng lớp Nhân dân; khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm rõ những nhân tố tác động đến sự phân hoá, biến động của các giai tầng xã hội; làm rõ nội hàm về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và nội dung cốt lõi của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới; xây dựng và triển khai chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc

Kiên trì thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện mạnh mẽ, liên tục công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao năng lực dự báo tình hình, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương và ban hành nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân.

Thực hành và phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, làm hạt nhân lãnh đạo tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đoàn kết người Việt Nam ở trong và ngoài nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ sự đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Mọi hoạt động của cơ quan trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ Nhân dân, lo trước Nhân dân, vui sau Nhân dân; lấy ấm no và hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Kịp thời giải quyết hiệu quả các công việc có quan hệ trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhất là những vấn đề Nhân dân bức xúc. Thực hiện đúng đắn chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ hoá đời sống xã hội; phát huy nhân tố con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của đại đoàn kết toàn dân tộc

Thể chế hoá và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, hình thức phù hợp để Nhân dân tham gia ý kiến đối với những vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng của đất nước.

Phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Nhân dân, trọng tâm là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nêu cao trách nhiệm giải trình, tiếp thu của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân và sự phát triển bền vững đất nước.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, thiết thực, vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Đổi mới phong trào thi đua theo hướng thiết thực, kịp thời, hiệu quả hướng mạnh về cơ sở để người dân có nhiều cơ hội tham gia, thực sự là chủ thể trong phát triển kinh tế, lao động sản xuất, sáng tạo, làm giàu cho gia đình, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền đề xuất các phong trào thi đua yêu nước phù hợp thực tiễn, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân nhằm gắn kết cộng đồng, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển trong mỗi người dân./. Lê Thị Liên - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

516 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 690
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 690
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87044883