Yêu cầu cấp bách về sự thống nhất
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì ngay từ cuối năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tranh chấp ảnh hưởng trong quần chúng, bài xích lẫn nhau và mỗi đảng đều muốn tự đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (thành lập vào ngày 14 tháng 6 năm 1925) đến lúc này không còn cơ sở tồn tại, bị tan rã.
Bên cạnh đó, theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng, thực hiện Chỉ thị ngày 27 tháng 10 năm 1929 của Quốc tế Cộng sản, Hồ Tùng Mậu đã tổ chức cho các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng gặp nhau để bàn về việc hợp nhất hai đảng. Tuy nhiên, hội nghị không thành công vì có nhiều quan điểm bất đồng của đại biểu hai đảng mà không thống nhất được.
Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc với tư cách Phái viên của Quốc tế Cộng sản từ Xiêm đến Trung Quốc ngày 23-12-1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-3-1930, Người viết:
“D. Tới Trung Quốc.
Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái, v.v.. Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên chính thức và 7 ủy viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”. (Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3)
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong hoàn cảnh những người cộng sản Việt Nam bị giới cầm quyền đế quốc truy lùng bắt bớ, phải tìm mọi cách che mắt kẻ thù. Trong cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” tác giả T. Lan viết về thời gian diễn ra Hội nghị như sau: Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh “mạt chược”, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng…
Nhớ lại ngày thành lập Đảng tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói: “Tôi sung sướng vì tôi nhớ lại lúc Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) thành lập. Thành lập như thế nào? Thành lập bí mật, Đảng ta lúc sinh ra cũng như một người con đẻ bí mật. Nó đẻ ở đâu? Trên một cái đồi tạm thời thuộc đế quốc. Nó đẻ ở đâu? Bên một sân bóng của đế quốc tư bản. Lúc đó chỉ có một nhóm nhỏ con con đồng chí. Số người tuy ít nhưng lòng kiên quyết rất to, nhưng hy vọng chắc chắn rất to. Tuy số người con con nhưng đã tin tưởng Đảng sẽ giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”2.
Hội nghị họp từ ngày 6-1-1930, tham dự Hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ngoài ra, còn có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn - những người Cộng sản Việt Nam đang sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc làm nhiệm vụ ghi biên bản và giúp việc.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã phê phán những quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình hội nghị. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự Hội nghị về nước.
Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng được thành lập, gồm: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Nguyễn Văn Hới, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu, Lưu Lập Đạo, do Trịnh Đình Cửu đứng đầu. Tiếp đến, các xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng được thành lập. Ngày 24-2-1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tổ chức cộng sản này được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong tác phẩm "Giai cấp công nhân Việt Nam", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.487, GS. Trần Văn Giàu khẳng định: Với uy tín tài năng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã xứng đáng, có đủ uy tín cho việc chủ trì việc hợp nhất: Sở mật thám Pháp đặt nhiều hy vọng vào tình hình chia ba của phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nếu tình hình ấy kéo dài thì không thể có ở Việt Nam một phong trào cách mạng lớn của nhân dân được; các Đảng Cộng sản tránh không khỏi mâu thuẫn ngày càng sâu sắc với nhau, nhân dân chia rẽ, lòng tin sẽ mất, ít nhất là trong một thời gian. Những người Cộng sản không phải là không biết rằng đế quốc muốn lợi dụng tình hình chia rẽ trong hàng ngũ Cộng sản, cho nên càng ra sức làm cuộc vận động thống nhất cho thành công càng sớm càng hay. “Hiềm vì “cá mè một lứa”, chưa tìm đâu ra một “trọng tài” đủ uy tín”… Lúc bấy giờ “trọng tài” đó còn có thể là đồng chí Vương, tức Nguyễn Ái Quốc.
Đoàn kết từ ngày đầu thành lập Đảng
Tác giả T.Lan “Vừa đi đường vừa kể chuyện” kể lại: “Năm 1930 - Tháng 2, khoảng từ ngày 5 đến ngày 8, Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm vừa linh đình, nhân sự kiện thành lập Đảng” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, trang 6). Vừa hoàn thành một việc trọng đại, trong không khí hân hoan, đầm ấm ngày Tết xa quê, những người đồng chí đã gạt bỏ những bất đồng để cùng hướng tới mục tiêu chung cao cả là “giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”.
Ngày 2-3-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, báo cáo tình hình nội bộ Đảng thể hiện bầu không khí náo nức của sự kiện lịch sử ngày 3-2 cùng những thông tin quan trọng về bước đi đầu tiên của Đảng ta.
Bức thư có đoạn viết: “Các đồng chí quý mến! Tôi đã gửi các đồng chí lá thư mới đây, trong đó tôi nói về tình hình nội bộ Đảng, các đồng chí đã nhận được chưa? Bây giờ xin báo cáo một số điểm:
1. Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất dưới tên chung là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời để điều hành công tác. Đảng thống nhất của chúng tôi hiện có 500 đảng viên và 40 chi bộ, một nửa trong số đó là các chi bộ xí nghiệp...
Vào thời gian này, còn xuất hiện nhóm cộng sản từ những phần tử tích cực của Đảng Tân Việt. Mặc dù nhóm này mới thành lập nhưng chúng tôi tin rằng, sớm hay muộn họ cũng sẽ thống nhất với chúng tôi...
2. Từ ngày 9-2 binh lính ở Yên Bái đã khởi nghĩa giết chết 5 sĩ quan Pháp, làm bị thương 6 tên khác nhưng phía họ cũng mất 6-7 người. Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức cuộc khởi nghĩa, nhưng họ lại không biết xây dựng một kế hoạch khởi nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam có biết sự chuẩn bị của họ, nhưng không biết thời điểm khởi sự. Vì vậy, Đảng đã không thể góp phần gì và đế quốc chủ nghĩa Pháp rất dễ dàng dập tắt cuộc nổi dậy ấy”. (Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, tập 3, trang 36).
Mở ra giai đoạn mới của quá trình cách mạng
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cộng sản vốn đã tồn tại độc lập, có điều lệ và hệ thống tổ chức riêng biệt, có những ảnh hưởng khác nhau trong quần chúng và đang đấu tranh với nhau để phát triển tổ chức. Đảng chưa có tổ chức và các cơ quan lãnh đạo thống nhất. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu tất yếu xây dựng hệ thống tổ chức cùng các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo nguyên tắc tổ chức của một chính đảng vô sản, đồng thời phải phù hợp với trình độ tổ chức của Đảng và điều kiện cụ thể của Việt Nam”.
Hội nghị thành lập đã hoàn thành chương trình do Nguyễn Ái Quốc vạch ra và chủ trì điều hành có giá trị và tầm vóc to lớn về tư tưởng chính trị và công tác xây dựng Đảng của một Đại hội Đảng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Như đánh giá của đồng chí Hồng Thế Công (bí danh của đồng chí Hà Huy Tập), “công lao to lớn của đồng chí (Nguyễn Ái Quốc) là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”3.
Trong cuốn Lịch sử 80 năm chống Pháp (xuất bản năm 1958), Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu đã viết: Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết được sự tất yếu của lịch sử dân tộc khi đó: “Các tổ chức cộng sản xuất hiện từ giữa năm 1929 sang đầu năm 1930, vì tính chất bộ phận và địa phương của nó, chưa phải là chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản thành lập và thống nhất chẳng những đánh dấu sự lãnh đạo thống nhất của giai cấp công nhân, mà còn thống nhất cả dân tộc, mở ra một giai đoạn mới trong quá trình cách mạng Việt Nam”.
Từ năm 1930 đến năm 1960, ngày 6-1 được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết định lấy ngày 3-2, một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị thành lập Đảng, làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Sau này nói về ngày thành lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”4. “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”5. Lê Liên (tổng hợp)
-------------------------------------------
1. Biên bản phiên họp toàn thể Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Dẫn theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
2. Biên bản phiên họp toàn thể Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Dẫn theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
3. Hồng Thế Công (Hà Huy Tập), Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, in trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.409.
4. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21 (1960), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.30-33.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.406.