Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy làm tốt công tác phát triển đảng viên vừa đảm bảo về chỉ tiêu, vừa đảm bảo về chất lượng. Trước thực trạng công tác phát triển tổ chức đảng, thành lập các tổ chức chính trị-xã hội và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc, giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, giao các ban Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác phát triển đảng. Ban thường vụ cấp uỷ các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tới các cấp uỷ và cán bộ chủ chốt các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập Tổ chỉ đạo, phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành, ban tổ chức cấp uỷ trực tiếp phụ trách, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các đảng uỷ cơ sở sao gửi các văn bản liên quan đến các chi bộ để phổ biến, quán triệt tận đảng viên. Nhờ quan tâm triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương, kịp thời ban hành các văn bản liên quan và chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.
Trong công tác phát triển đảng, các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch tạo nguồn và thực hiện đầy đủ các bước từ công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đến quy trình kết nạp theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Quán triệt phương châm: kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn giác ngộ về lý tưởng của Đảng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác; kết nạp đảng viên luôn gắn với củng cố tổ chức đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên; cảnh giác, đề phòng những phần tử cơ hội và phản động lọt vào hàng ngũ của Đảng; quan tâm công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú, có đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang...; chú ý các cơ sở trọng yếu, những nơi còn ít và chưa có đảng viên. Trong quy hoạch, chú trọng lựa chọn những quần chúng ưu tú, nhất là đội ngũ trí thức, người lao động trong các thành phần kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật, đoàn viên, hội viên ở khu dân cư, người có đạo, nữ, dân tộc… để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Cụ thể là chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tạo môi trường thuận lợi để quần chúng rèn luyện, phấn đấu, qua đó lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú để giáo dục, chăm bồi, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Củng cố, phát triển tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong các trường học, các công ty, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nhằm tạo nguồn trong học sinh, sinh viên, người trực tiếp lao động sản xuất, chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp ủy thực hiện thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng cẩn trọng, chu đáo theo đúng chủ trương, hướng dẫn của trên.
Nhờ thực hiện đúng phương châm, phương hướng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục chặt chẽ và làm tốt công tác xây dựng kế hoạch nên số lượng đảng viên được kết nạp những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần giảm nhanh số lượng chi bộ sinh hoạt ghép; chất lượng đảng viên kết nạp ngày càng được nâng lên. Nhiệm kỳ 2015-2020, bình quân hằng năm kết nạp được trên 1.800 đảng viên (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra từ 1.400 - 1.500 đảng viên). Tính đến tháng 9/2020, tổng số đảng viên trong toàn tỉnh là 47.242 đảng viên. Nếu như đầu nhiệm kỳ số thôn bản chưa có đảng viên là 01, chi bộ sinh hoạt ghép là 43; 41 thôn có từ 01 đến 02 đảng viên thì đến nay 100% thôn bản đã có đảng viên, còn 3 chi bộ sinh hoạt ghép; 9 thôn có 01 đến 02 đảng viên. Nhờ coi trọng công tác phát triển đảng viên, nên số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đều tăng, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, thực hiện đúng thủ tục, quy trình, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao. Trong số đảng viên được kết nạp hàng năm, tỉ lệ đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên là công nhân, lao động trong các thành phần kinh tế, đảng viên trẻ ngày càng tăng; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Nhiều quần chúng sau khi được kết nạp vào Đảng đã được bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của huyện và xã, cơ quan, đơn vị. Qua đánh giá hàng năm, hầu hết đảng viên đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống; công tác kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và đánh giá, thực sự là những hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, tấm gương sáng trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng còn một số hạn chế, đó là: Phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Cơ cấu đảng viên và phân bố chưa tương ứng, chưa thật phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp ủy, địa phương trong giai đoạn hiện nay. Tỷ lệ đảng viên là công nhân trong Đảng bộ còn thấp; tỷ lệ đảng viên trên dân số ở một số địa phương còn thấp… Một số nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức chưa đúng quy định.
Từ thực tế đó có thể rút ra một số giải pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đảng như sau :
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng; các đoàn thể chính trị - xã hội; doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp; cán bộ, đảng viên đối với công tác phát triển đảng viên, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để đông đảo quần chúng nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, từ đó có thái độ, động cơ đúng đắn phấn đấu vào Đảng.
Hai là, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo, có kế hoạch, giải pháp tạo nguồn, phát triển đảng viên cụ thể, sát với tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, coi trọng cả số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý.
Ba là, quan tâm công tác phân công nhiệm vụ đối với các tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong việc giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng. Các đoàn thể chính trị - xã hội phải đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên; thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tạo môi trường cho quần chúng rèn luyện phấn đấu để kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Các cấp ủy tiếp tục phân công đảng viên giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Chú trọng kết nạp Đảng trong công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất; cán bộ các đoàn thể trong doanh nghiệp; trong lực lượng giáo viên, y tế, lực lượng vũ trang, quần chúng là đồng bào có đạo… Thực hiện tốt việc giao nhiệm vụ, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đảng viên mới.
Bốn là, tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng để các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng và quy định, hướng dẫn của Trung ương về kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Hải Yến