Để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động đề ra mục tiệu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp. Các huyện, thị, thành uỷ; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; xây dựng đề án, cơ chế, chính sách hoặc quy định cụ thể phù hợp để làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh hàng năm về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngân sách nhà nước đều có nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò trong việc giám sát thực hiện các chính sách; huy động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Toàn tỉnh hiện có 22 đơn vị trực thuộc cấp tỉnh. Nhân lực ngành y tế ngày càng nâng cao chất lượng. Đội ngũ y, bác sĩ từng bước làm chủ các kỹ thuật cao trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chỉ số hài lòng của người bệnh ngày càng tăng cao; Chính sách thu hút cán bộ ngành y bước đầu có hiệu quả (Về việc thực hiện chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ đại học có chất lượng về công tác tại tỉnh, cụ thể: Tuyển dụng các bác sĩ mới ra trường: năm 2018: 42 bác sĩ, 02 dược sĩ đại học, năm 2019: 11 bác sĩ, năm 2020: 03 bác sĩ và năm 2021: 29 bác sĩ, tổng cộng đến năm 2021: 131 bác sỹ, 02 dược sĩ đại học. Kinh phí thu hút: Từ năm 2017 trở đi, Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ cho bác sĩ đa khoa tốt nghiệp trường công lập về tuyến huyện. Chỉ có 01 trường hợp được tốt nghiệp loại trung bình khá, được hỗ trợ 50 triệu đồng.
Về việc thực hiện chính sách tác đãi ngộ đối với cán bộ y tế cơ sở đang công tác: 643 người, cụ thể: Bác sĩ công tác tại tuyến tỉnh: 234 người, Dược sĩ đang công tác tại tuyến tỉnh: 14 người, Bác sĩ công tác tại tuyến huyện: 222 người, Dược sĩ công tác tại tuyến huyện: 34 người, Bác sĩ công tác tại tuyến xã: 133 người, Dược sĩ công tác tại tuyến xã: 02 người. Trong đó: Hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến xã: 136 người với kinh phí ước tính 2.268.480.000 đồng; hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến huyện 257 người, với kinh phí ước tính 3.065.784.000 đồng; hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến tỉnh: 293 người với kinh phí ước tính 2.136.708.000 đồng. Tổng kinh phí hàng năm ước tính là 7.470.972.000 đồng). Việc tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn và cấp chứng chỉ đào tạo liên tục cho cán bộ nhân viên ngành y tế được duy trì. Công tác phối hợp giữa các tuyến nhằm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật 1816 được thực hiện tích cực, hiệu quả, giúp các tuyến chủ động triển khai các kỹ thuật chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Việc tập huấn nâng cao năng lực khám chữa bệnh luôn được ngành Y tế được thực hiện thường xuyên, chất lượng.
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhiều bệnh viện được cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ thấy thuốc luôn hướng đến sự hài lòng người bệnh. Các đơn vị đã chủ động triển khai danh mục dịch vụ kỹ thuật mới, trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, như: máy siêu âm, điện tim, X-quang, máy Xét nghiệm, giường bệnh cấp cứu…Một số đơn vị đã thực hiện tốt phân tuyến kỹ thuật; phối hợp tốt với các tuyến để chuyển giao kỹ thuật 1816 góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh đã kết hợp điều trị y học cổ truyền và y học hiện đại. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa hoặc tổ y học cổ truyền. Công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng đạt kết quả tốt. Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tuyến, kế hoạch phối hợp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, ghi nhận, điều tra và xác minh các ca bệnh và tổ chức triển khai các biện pháp đáp ứng dịch khi có thông tin ca bệnh; Việc tổng hợp, chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch kịp thời (Từ tháng 12/2021, dich covid-19 xảy ra tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố.Trong tháng 5/2022 ghi nhận 734 ca mắc, không có ca tử vong. So với tháng 4/2022, số ca mắc giảm 11,3 lần (Tháng 4/2022 ghi nhận 8.353 ca mắc, không có ca tử vong). Từ đầu tháng 6 ghi nhận 178 ca mắc, không có tử vong. Ghi nhận số ca mắc của tỉnh ta đứng thứ 41/63 tỉnh/thành phố, tính theo tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, tỉnh Quảng Trị xếp thứ 26/63 tỉnh/thành phố). Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng nguyên lý y học gia đình trong khám, chữa bệnh. Hệ thống sổ sức khoẻ điện tử được triển khai đến tận cơ sở (Đến nay có 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử; 70% người dân đã áp dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại cá nhân); chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; quan tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên khác.
Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5% dân số; tỷ suất tử vong trẻ em: dưới 5 tuổi là 4,5‰; dưới 1 tuổi là 4‰; đạt 32 giường bệnh/10.000 dân; 10 bác sĩ/10.000 dân; 1,25 dược sĩ đại học/10.000 dân; tuổi thọ trung bình: ước đạt khoảng 68,9 tuổi; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 97% với 8 loại vắc xin. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 84%. Trí Ánh