Ngày 30/6/1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ V được tổ chức tại bản Tu Pông (Hướng Hóa). Đại hội đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ: “Phát triển hướng tiến công từ rừng núi về nông thôn đồng bằng, đánh phá ấp chiến lược, giành dân, giành quyền làm chủ, đưa phong trào cách mạng của địa phương tiến kịp với phong trào của Khu 5 và toàn miền”.
Trong năm 1961, quân và dân Quảng Trị cũng như toàn miền Nam đã kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị thu nhiều thắng lợi, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, tạo điều kiện đưa cuộc kháng chiến tiến lên. Phong trào diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, vũ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, phá chòi thông tin, xé cờ ngụy, đốt ảnh Ngô Đình Diệm diễn ra ở khắp các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ.
Song song với phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược, cấp ủy và ủy ban mặt trận các cấp chú trọng lãnh đạo Nhân dân vùng nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ban Kinh tế tỉnh được thành lập đã cử cán bộ về các địa phương vận động Nhân dân đóng góp lương thực cung cấp cho cán bộ, bộ đội đứng chân trên địa bàn hoạt động, xây dựng phương án và hệ thống dự trữ lương thực...
Quân và dân Quảng Trị ở vùng giải phóng (Nam đường 9) tổ chức đánh địch 44 trận, diệt và làm bị thương 142 tên, bắn hỏng 2 trực thăng, phá hủy 2 máy vô tuyến điện. Thắng lợi của cuộc chống càn đánh dấu sự trưởng thành về lãnh đạo và chỉ đạo phong trào chiến tranh nhân dân của Tỉnh ủy, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân.
Phối hợp với miền núi, các huyện ở đồng bằng trong tỉnh đẩy mạnh phong trào chống phá ấp chiến lược. Có đơn vị đã đánh sập lô cốt địch, phá 3 cầu, cống trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 9. Trong dịp lễ Phật Đản năm 1963, Mỹ - Diệm ngăn cấm không cho đồng bào Phật giáo treo cờ Phật giáo ở Huế. Đông đảo tín đồ, phật tử kéo đến đấu tranh bảo vệ cờ Phật, đã bị chính quyền Sài Gòn đưa quân đội đến đàn áp, làm 23 người chết và bị thương. Cuộc đấu tranh được sự đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, đã trở thành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, có tiếng vang trên toàn miền Nam và cả nước, thu hút hàng triệu người lên án, phản đối Mỹ - Diệm đàn áp phong trào Phật giáo.
Ngày 1/11/1963, Mỹ ủng hộ nhóm tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu làm cuộc đảo chính, lật đổ anh em Diệm - Nhu và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại Ro Ró (Xuồi Muồi), dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Soạn, Quyền Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị quyết định phát động phong trào đồng khởi nông thôn đồng bằng bắt đầu từ 7/1964 đến tháng 1/1965. Thường vụ Tỉnh ủy họp để quyết định điểm và diện phát động: Khởi điểm là Cùa, trọng tâm giành dân làm chủ là Triệu Phong, Hải Lăng.
Ngày 4/7/1964, bản “Mật lệnh” phát động quần chúng phá thế kìm kẹp của địch được phát đi. Tại Cùa - nơi được chọn làm khởi điểm của cuộc đồng khởi nông thôn đồng bằng trong tỉnh, đêm 4/7/1964, sau khi nghe đồng chí Vũ Soạn thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy đọc bản “Mật lệnh” phát động đồng khởi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Bổ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đội công tác xã được sự hỗ trợ của một bộ phận lực lượng vũ trang địa phương đã huy động quần chúng các thôn Mai Lộc, Mai Đàn tự trang bị bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo, đi lùng bắt bọn tề vệ ác ôn. Địch bị đánh bất ngờ, tháo chạy tán loạn, một số tên bị ta bắt sống. Phong trào từ hai thôn Mai Lộc, Mai Đàn lan nhanh ra khắp cả vùng Cùa và thu được thắng lợi. Sáng 6/7/1964, quân và dân vùng Cùa tổ chức mít tinh chào mừng quê hương giải phóng.
Tại Hải Lăng, thực hiện cuộc phát động đồng khởi của Tỉnh ủy, đêm 5/7/1964, lực lượng chính trị, vũ trang của huyện và một số cán bộ các ban của tỉnh đã cùng với đội công tác xã Hải Lâm phát động quần chúng thôn Thượng Nguyên nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, thành lập chính quyền cách mạng tự quản.
Tại Triệu Phong, sau khi mở lớp huấn luyện cán bộ huyện, xã xong, cơ quan Huyện ủy chủ yếu chuyển về đồng bằng. Huyện ủy chọn thôn Linh Yên (Triệu Trạch), thôn Thạnh Hội (Triệu Vân), thôn Vân An (Triệu Lễ) làm điểm ở các vùng trong huyện để rút kinh nghiệm triển khai ra diện.
Kết quả hoạt động đồng khởi vùng nông thôn đồng bằng đợt một (từ 5/7/1964 đến 31/8/1964), ta đã phá thế kìm kẹp của địch, thành lập chính quyền cách mạng tự quản ở các thôn vùng Cùa - Cam Lộ, vùng giáp ranh Triệu Phong, Hải Lăng. Phát huy thắng lợi đợt một, Tỉnh ủy quyết định phát động đồng khởi đợt 2 bắt đầu từ 1/9/1964 đến hết tháng 11/1964. Kết quả ở vùng đồng bằng, ven biển Hải Lăng, ta đã đánh địch, giành quyền làm chủ ở các xã Hải An, Hải Khê, Hải Ba và đại bộ phận hai xã Hải Vĩnh, Hải Xuân. Ở vùng đồng bằng Triệu Phong, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Triệu Phong đã huy động lực lượng quân sự, chính trị, phát động đồng khởi ở các xã Triệu Tài, Triệu Hòa và một số thôn của các xã Triệu Trung, Triệu Đại...
Cuộc phát động đồng khởi vùng nông thôn đồng bằng tỉnh từ đầu tháng 7/1964 đến tháng 1/1965, quân và dân tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phá thế kìm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược, còn 185 ấp chiến lược. Vùng giải phóng được mở rộng từ miền núi Hướng Hóa đến vùng đồng bằng Triệu - Hải, Gio - Cam, chiếm khoảng 4/5 diện tích đất đai của toàn tỉnh, với gần 13 vạn dân.
Thắng lợi trên các mặt trận quân sự, chính trị của quân và dân miền Nam đã làm cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang dùng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Ngày 28/7/1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ VI được triệu tập tại Khe Su - chiến khu Ba Lòng. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhận thức được nhiệm vụ cơ bản lúc này là: “... ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng cả nước giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nếu địch gây ra”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, quân và dân Quảng Trị anh dũng, kiên cường chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và giành thắng lợi quan trọng. Mùa khô 1965-1966, ở chiến trường Quảng Trị, ta đã đánh 316 trận lớn nhỏ, diệt 2.626 tên địch, làm bị thương 1.095 tên, bắt sống 247 tên, tác động khiến địch đào, rã ngũ 592 tên. Mùa khô 1966 - 1967, quân và dân Quảng Trị vẫn giữ vững vùng giải phóng cũ và giành thêm nhiều thôn. Trong điều kiện địch dốc sức đánh phá nhiều lần, sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ cho chương trình “bình định”, lực lượng cách mạng ở cơ sở vẫn bám trụ địa bàn, tổ chức đấu tranh. Phong trào văn hoá, giáo dục, y tế trong tỉnh được chú trọng phục hồi, phát triển. Toàn bộ các thôn, xã được giải phóng (kể cả một số vùng tranh chấp) đều tiến hành xây dựng nền văn hoá và giáo dục cách mạng, bài trừ văn hoá nô dịch.
Tháng 4/1966, Bộ Chính trị ra quyết định tách hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên ra khỏi Khu 5, thành lập Khu ủy Trị - Thiên Huế. Tháng 6/1966, Quân ủy Trung ương quyết định lập mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.
Tháng 6/1967, Trung ương Đảng chủ trương giải thể Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên, thành lập các Ban Cán sự và Đảng ủy trực thuộc Khu ủy.
Tháng 9/1967, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng lập hàng rào điện tử Mắc Namara tại Quảng Trị. Đế quốc Mỹ, trực tiếp là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara đặt “niềm tin vững chắc” vào việc xây dựng hàng rào điện tử, cho rằng nó “sẽlàm tốt nhiệm vụ ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam”.
Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và ra kết luận: “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”. Từ đó, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở cả hai miền: “Thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược mới”.
Quân ủy Trung ương xác định rõ: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là hướng Đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, tung một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố trên quy mô toàn miền Nam.
Ngày 3/12/1967, Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên Huế họp tại Khe Trái (Hương Trà - Thừa Thiên) hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong Khu tập trung sức lực và trí tuệ, khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm chấp hành triệt để chỉ thị và mệnh lệnh cấp trên”.
Đêm 20/1/1968, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tấn công mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, uy hiếp dữ dội tuyến phòng thủ đường 9. Tổng thống Giônxơn chỉ thị cho tướng Taylo lập “phòng tình hình” tại Nhà trắng để theo dõi, phân tích chiến sự ở Khe Sanh, ra lệnh cho các tham mưu trưởng Mỹ phải cam kết giữ vững Khe Sanh bằng mọi giá.
Giữa lúc địch đang dồn sức chống đỡ với ta ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh thì đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (đêm giao thừa rạng ngày mồng 1 tết Mậu Thân), lực lượng vũ trang cách mạng đồng loạt tấn công địch trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các thành phố, thị xã, hàng trăm quận lỵ, căn cứ, kho tàng, sân bay.
Phối hợp với toàn miền và mặt trận Huế, lúc 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968, lực lượng vũ trang cách mạng của các mặt trận, các địa bàn Quảng Trị đã vượt lưới lửa dày đặc của địch, nổ súng hiệp đồng với mặt trận Huế đúng giờ quy định.
Ngày 9/7/1968, quân và dân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn, địch rút chạy khỏi Khe Sanh. Sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, Quân giải phóng mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.000 tên địch (có 2/3 là quân Mỹ), bắn rơi 197 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe các loại, 46 khẩu pháo, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn đồ dùng quân sự và lương thực, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Hướng Hoá với hơn 10.000 dân.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã đưa Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đại tướng Oét- mô- len, Tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam phải thốt lên: “Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ một thung lũng nhỏ mang tên Khe Sanh và kết thúc bằng cú tết Mậu Thân 1968.”
Thu Hà - Châu Minh
Bài 8: Vĩnh Linh - hậu phương trực tiếp của chiến trường Quảng Trị và miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
https://baoquangtri.vn/dang-bo-tinh-quang-tri-95-nam-truyen-thong-ve-vang-bai-7-quang-tri-chong-chien-luoc-chien-tranh-dac-biet-chien-tranh-cuc-bo-cua-de-quoc-my-tien-den-tong-tien-cong-va-noi-day-mau-than-1968-giai-phong-khe-sanh-huong-hoa-191235.htm