30 ngày sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, ta đã hoàn thành việc tập kết quân ra miền Bắc. Song song việc chuyển quân tập kết, Thường vụ Tỉnh ủy đã bố trí, sắp xếp bộ máy cán bộ ở lại hoạt động. Cơ quan Tỉnh ủy có các đồng chí: Trương Chí Công - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Đức Sản và Phan Văn Khánh - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Nguyễn Tào (Điền, Khởi) và Phan Trọng Tịnh (Quang) - Tỉnh ủy viên và một số cán bộ tham mưu, giúp việc. Ở các huyện là các đồng chí Bí thư hoặc phụ trách.
Thực hiện xong việc chuyển quân tập kết, địa bàn Quảng Trị (ở phía Nam vĩ tuyến 17) từ chỗ đại bộ phận nông thôn, đồng bằng là vùng giải phóng hoặc khu du kích liên hoàn do ta làm chủ trở thành vùng địch kiểm soát; từ chỗ ta có chính quyền, quân đội cách mạng hùng mạnh đến lúc này chỉ còn lực lượng chính trị; chuyển từ dùng phương pháp đấu tranh vũ trang là chủ yếu chuyển sang đấu tranh chính trị đơn thuần; từ hoạt động công khai (vùng giải phóng), lúc này tất cả các vùng đều phải chuyển vào hoạt động bí mật.
Ở miền Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ra sức phá hoại Hiệp định. Mỹ sử dụng Ngô Đình Diệm làm tay sai để thống trị Nhân dân miền Nam. Bằng quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, Mỹ - Diệm thẳng tay đàn áp nhằm tiêu diệt đảng viên cộng sản, cán bộ kháng chiến cũ, những người đã tham gia chính quyền cách mạng.
Ở Hướng Hóa, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, nhiều cán bộ người Kinh công tác ở miền núi tập kết ra Bắc, một số khác chuyển về đồng bằng. Tình hình đó đã làm cho một số đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô nhầm tưởng mà cho rằng: “Đảng bỏ dân, cách mạng quên miền núi”. Để ổn định tư tưởng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Huyện ủy Hướng Hóa chủ trương tổ chức “Hội thề”. Cán bộ thề: “Cách mạng không bao giờ bỏ dân - cách mạng bỏ dân là cách mạng thất bại”. Đại biểu nhân dân thề: “Cùng nhau đoàn kết một lòng, theo Đảng và Bác Hồ đến cùng, kiên quyết đấu tranh chống Mỹ - Diệm, góp phần thực hiện thống nhất đất nước Việt Nam”.
Âm mưu của bọn Đại Việt là biến vùng Hướng Điền (Hướng Hóa) thành nơi đứng chân lâu dài mà chúng gọi là “Khu Trung ương”. Tháng 2/1955, bọn Đại Việt từ Quảng Ngãi kéo ra Quảng Trị. Trong ba ngày 11, 13 và 15/7/1955, bọn Đại Việt đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở Hướng Điền (Hướng Hóa). 94 đồng bào của ta, trong đó có 7 đảng viên cộng sản đã bị chúng sát hại.
Trước sự đánh phá ác liệt, dã man của Mỹ - Diệm, lực lượng cách mạng của Quảng Trị bị tổn thất nghiêm trọng. Cuối năm 1954, sau khi thực hiện xong việc chuyển quân tập kết, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 8.400 đảng viên phân bổ đều khắp các địa bàn trong tỉnh, đến cuối năm 1957, toàn Đảng bộ chỉ còn lại 306 cán bộ, đảng viên. Trong đó 5 huyện, thị xã ở đồng bằng có 35 đảng viên sinh hoạt trong 6 chi bộ (Triệu Phong : 3 chi bộ, Gio Linh: 3 chi bộ ) và 71 đảng viên đơn tuyến.
Trước tình hình căng thẳng do Ngô Đình Diệm cũng như bọn Đại Việt gây ra, Tỉnh ủy đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành được những thắng lợi quan trọng.
Đối với Đại Việt, trước sức mạnh đấu tranh của Nhân dân các dân tộc vùng Nam Hướng Hóa, chúng càng bị bao vây, cô lập, thiếu lương thực, thực phẩm. Nội bộ chúng mâu thuẫn, chém giết lẫn nhau, một số tên lẻn về đầu hàng Diệm, số còn lại theo Trần Bình băng rừng vào miền Tây tỉnh Thừa Thiên.
Đối với Ngô Đình Diệm, cán bộ, đảng viên huyện Hướng Hóa dựa vào quần chúng, vận động già làng và những người thuộc tầng lớp trên, đứng ra làm đại diện trực tiếp đấu tranh với địch, đòi Ngô Đình Diệm phải tiến hành hiệp thương với miền Bắc để bàn việc tổng tuyển cử vào ngày 21/7/1956. Ở đồng bằng, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân vẫn diễn ra liên tục, sôi nổi, mạnh mẽ ở cả nông thôn và thành thị cũng như ở khu giới tuyến..
Tháng 10/1957, được sự đồng ý của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Trị họp hội nghị mở rộng tại số nhà 55, phố Hàng Chuối (Hà Nội). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, hội nghị tập trung kiểm điểm tình hình hoạt động của Đảng bộ trong 3 năm qua và bàn phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt hội nghị vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng công tác ở miền Nam vừa mới ra, đến dự và trực tiếp truyền đạt tinh thần, nội dung bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo.
Được soi sáng bởi Đề cương cách mạng miền Nam và sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị Tỉnh ủy liên hệ kiểm điểm tình hình ở địa phương trong thời gian qua và nhất trí nhận định: “Chúng ta đang ở vào thời kỳ thoái trào, địch đang ở thế tấn công, lãnh đạo phải có gan thừa nhận sự thật của tình hình, phải thấy hết khó khăn của quần chúng, phải có quyết tâm phục hồi lại phong trào, quyết không để phong trào thụt lùi, phải chấn chỉnh lại và biết cách tiến lên”.
Hội nghị Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần chịu đựng hy sinh, gian khổ, tinh thần quyết tâm bám trụ phong trào của cán bộ, đảng viên để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh với Mỹ - Diệm. Đồng thời hội nghị cũng phân tích những khuyết điểm từ sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ như: chưa lường hết mức độ tráo trở, trắng trợn và tàn ác của Mỹ - Diệm; thiếu linh hoạt, khôn khéo trong đối sách với địch cũng như trong việc vận dụng phương châm về tổ chức và đấu tranh; để bộc lộ lực lượng và thiếu kế hoạch đề phòng địch khủng bố. Vì vậy, phong trào gặp nhiều khó khăn, tổn thất khi Mỹ - Diệm tiến hành các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”.
Đáp ứng yêu cầu của lịch sử, ngày 13/1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 tại Hà Nội, ra Nghị quyết lịch sử về cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 vạch rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là: khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”.
Để tiếp thu Nghị quyết 15, được sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Trường Đảng Quảng Bình. Hội nghị khai mạc vào sáng ngày 1/5/1959, có các đồng chí Lê Minh, Nguyễn Húng thay mặt Khu ủy đến dự và trực tiếp chỉ đạo.
Từ cuối năm 1959, tinh thần Nghị quyết 15 dần tỏa về các địa phương. Nghị quyết 15 về cơ sở, về với các đảng viên đơn tuyến, đi vào quần chúng. Tháng 12/1960, do yêu cầu tình hình nhiệm vụ của tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh; đồng thời đề nghị những đồng chí quê Quảng Trị tập kết ra Bắc trở về địa phương để công tác, chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương.
Thu Hà - Châu Minh
Bài 7: Quảng Trị chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tiến đến tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, giải phóng Khe Sanh- Hướng Hóa
https://baoquangtri.vn/dang-bo-tinh-quang-tri-95-nam-truyen-thong-ve-vang-bai-6-quang-tri-sau-hiep-dinh-gio-ne-vo-191210.htm