Đảng bộ tỉnh Quảng Trị - 95 năm truyền thống vẻ vang. Bài 1: Cuộc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị 

QTO - Đảng bộ tỉnh Quảng Trị là một trong những Đảng bộ được thành lập sớm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (21/4/1930) và là tỉnh đầu tiên ở Trung Kỳ lập Tỉnh ủy chính thức (tháng 11/1930). Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã trải qua 95 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với nhiều thành tựu rất đáng tự hào và đầy vẻ vang.

Sau khi phong trào chống thực dân Pháp của Văn thân, Cần Vương tan rã, lớp sĩ phu Quảng Trị có sự phân hoá về khuynh hướng chính trị. Một số muốn tiếp tục con đường vũ trang bạo động; số khá đông thì kiên quyết bài Pháp, bất hợp tác với Nam triều phong kiến; một số khác nản chí, cá biệt có người làm tay sai cho thực dân Pháp.

Trên thế giới, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đã dẫn đến sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Phong trào đấu tranh chống đế quốc ở các nước tư bản phương Tây phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, từ năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Người ra sức truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị tiền đề cho sự ra đời một chính đảng vô sản.

Tại Quảng Trị, một số thanh niên trí thức, công chức làm việc trong các công sở ở tỉnh lỵ và một số tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước thành lập nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” với mục đích làm cách mạng dân tộc, dân chủ, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng ở các nơi khác, tìm đọc sách báo tiến bộ. Tháng 6/1925, nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” được thành lập do Nguyễn Đình Cương đứng đầu và 11 thành viên. Phạm vi hoạt động của nhóm còn hẹp, chưa có điều lệ và chương trình hoạt động cụ thể.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Trị ra đời

Tháng 6/1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Nhờ có mối liên hệ với Hà Huy Tập và Trần Văn Tăng ở Nghệ - Tĩnh từ trước, nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” do Nguyễn Đình Cương đứng đầu đã cử một thanh niên trí thức qua Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Trong thời gian dự lớp huấn luyện, Nguyễn Đình Từ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh niên) và sau khi bế mạc, Nguyễn Đình Từ được Tổng bộ Thanh niên giao nhiệm vụ trở về nước tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng 10/1926, Chi bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư, là một đơn vị cơ sở của “Thanh niên”, hoạt động theo tôn chỉ mục đích “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”. Đến giữa năm 1927, tổ chức Thanh niên Quảng Trị đã phát triển được bốn chi bộ: Chi bộ Thanh niên Hà Tĩnh, Chi bộ Thanh niên Hội An và hai chi bộ Thanh niên ở Quảng Trị.

Cuối năm 1927, các chi bộ Thanh niên Quảng Trị đã mở hội nghị hợp nhất, lập ra Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị. Tỉnh bộ chủ trương cử hội viên ra nước ngoài dự lớp huấn luyện chính trị, sau đó trở về mở các lớp huấn luyện cho các hội viên của Tỉnh bộ.

Các bài giảng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp chính trị in trong cuốn Đường Kách mệnh hoặc đăng trên báo Thanh niên được các hội viên tham dự các lớp huấn luyện bí mật mang về làm tài liệu huấn luyện cho các hội viên trong tỉnh. Phong trào Thanh niên Quảng Trị có những bước phát triển vững chắc, đã được Kỳ bộ Trung Kỳ ghi nhận.

Đầu năm 1928, Kỳ bộ Trung Kỳ chỉ thị cho Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị xúc tiến hội nghị đại biểu Thanh niên để thành lập Tỉnh bộ chính thức. Hội nghị đại biểu Thanh niên Quảng Trị quyết định xuất bản tờ báo Phấn đấu làm cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ, do Hoàng Hữu Đàn làm chủ bút.

Trong các năm 1927-1928, ở Triệu Phong có “Ái hữu dân đoàn”- một tổ chức quần chúng do Trần Hữu Dực lập ra với thành phần gồm thanh niên, học sinh, nông dân. Mục đích của “Ái hữu dân đoàn” là thực hiện ái hữu tương trợ nhau trong làm ăn, đấu tranh chống địa chủ cường hào áp bức, bóc lột nông dân, bài trừ mê tín dị đoan...

 

Cuối năm 1928, “Ái hữu dân đoàn” đã trở thành tổ chức quần chúng cách mạng của Tỉnh bộ Thanh niên. Từ đây, “Ái hữu dân đoàn” hoạt động theo mục đích, tôn chỉ, điều lệ của Thanh niên. Tỉnh bộ Thanh niên đã tập hợp được đông đảo quần chúng yêu nước tham gia vào Hưng nghiệp hội xã, trên cơ sở đó, lựa chọn người đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tân Việt Cách mạng Đảng ở Quảng Trị ra đời

Năm 1926, lúc làm Thừa phái ở Diễn Châu (Nghệ An), Lê Thế Tiết được kết nạp vào Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt). Mùa hè năm 1928, sau khi thôi chức Thừa phái, Lê Thế Tiết được Kỳ bộ Tân Việt cử về Quảng Trị hoạt động.

Lê Thế Tiết đã chọn Tân Tường (Cam Lộ) làm địa bàn xây dựng Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Trị. Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Trị gồm 12 đảng viên. Theo chỉ thị Tổng bộ Tân Việt, Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Trị lúc này tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển tổ chức, giáo dục huấn luyện đảng viên. Các tài liệu huấn luyện đều phỏng theo hoặc lấy nguyên của Thanh niên.

Nhờ vậy, nhiều đảng viên Tân Việt có điều kiện tiếp thu được những kiến thức sơ giản đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản và đường lối cách mạng Việt Nam do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng. Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Thanh niên, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị đã tăng cường vận động, thiết lập mối quan hệ tốt với các đảng viên Tân Việt trong tỉnh và kết quả tổ chức Tân Việt đã sáp nhập cả tổ chức vào Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị.

Thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị

Cuối năm 1928, Trần Văn Cung, Bí thư Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đến Quảng Trị gặp Nguyễn Đình Cương bàn tổ chức giải tán Thanh niên, lập tổ chức cộng sản. Ngày 16/5/1929, Nguyễn Đình Cương triệu tập số hội viên Thanh niên tích cực ủng hộ việc tổ chức cộng sản, họp lại làng Long Hưng (Hải Lăng).

Sau khi nghe Trần Văn Cung giới thiệu khái quát về chủ nghĩa cộng sản và chuyên chính vô sản, đường lối cách mạng Đông Dương, tất cả hội viên Thanh niên có mặt tại cuộc họp đều nhất trí tuyên bố giải tán Thanh niên, thành lập tổ chức cộng sản. Nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị được thành lập gồm 7 đồng chí.

Cuối năm 1929, Lê Viết Lượng là một cán bộ của Xứ ủy đang dạy học và hoạt động ở Huế, được đồng chí Hoàng Thị Ái cung cấp tình hình Quảng Trị và giới thiệu một số cơ sở cách mạng. Qua một cơ sở cũ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Lê Viết Lượng đã liên lạc với Lê Thế Tiết. Hai đồng chí dùng chiếc thuyền của một cơ sở nằm trên sông Hiếu (gần thị xã Đông Hà) để họp.

Cuộc họp thống nhất chuyển một số đảng viên Tân Việt, hội viên của Việt Nam Cách mạng Thanh niên sang đảng viên cộng sản như Lê Thế Tiết, Nguyễn Ổn, Hoàng Hữu Mão, Lê Thị Quế... và bàn cách tổ chức, thành lập chi bộ cộng sản. Cuối năm 1929, đầu năm 1930, ba chi bộ cộng sản đầu tiên là An Tiêm, Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ) được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước (gồm Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng) đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giữa tháng 4/1930, phái viên của phân khu Xứ ủy Trung Kỳ đến gặp đồng chí Lê Thế Tiết tại gia đình ở làng Tường Vân, bàn việc lập Ban vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Thế Tiết đã viết thư mời đồng chí Trần Hữu Dực về để bàn việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị.

Tại làng Tường Vân, hai đồng chí đã thống nhất dự kiến 3 người tham gia Tỉnh ủy lâm thời là Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão và Trần Hữu Dực. Ngày 21/4/1930, Ban vận động họp tại nhà ông Nguyễn Phu ở làng Đại Hào (Triệu Phong) có đồng chí phái viên của Xứ ủy tham dự.

Sau khi nghe thông báo về tình hình Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đọc thư của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần lượt nghe các đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực báo cáo về các cơ sở được xây dựng trong thời gian qua. Hội nghị nhất trí thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng tỉnh Quảng Trị gồm 3 ủy viên như đã dự kiến. Đồng chí Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lâm thời.

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị được thành lập đã chứng tỏ sự tiếp thu nhanh chóng và mạnh mẽ trào lưu tư tưởng cứu nước mới do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ đây, phong trào cách mạng của Nhân dân Quảng Trị đã có một tổ chức Đảng lãnh đạo, cùng cả nước đấu tranh giành chính quyền.

Thu Hà - Châu Minh

 

 

https://baoquangtri.vn/dang-bo-tinh-quang-tri-95-nam-truyen-thong-ve-vang-bai-1-cuoc-van-dong-thanh-lap-dang-bo-dang-cong-san-viet-nam-tinh-quang-tri-191059.htm

Đón đọc:  Bài 2: Quảng Trị trong cao trào dân tộc dân chủ 1936-1939

24 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1428
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1428
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88985985