ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG TRỊ - 90 NĂM CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, bằng sự mẫn cảm chính trị của mình, nhiều thanh niên, trí thức ở Quảng Trị đã tham gia các phong trào yêu nước và đi theo đường lối cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập đã cử cán bộ ra nước ngoài dự các lớp huấn luyện chính trị, rồi trở về mở các lớp huấn luyện trong tỉnh. Các Hội viên tích cực hoạt động, tìm cách giác ngộ quần chúng, phát triển tổ chức vào thanh niên tiên tiến, trí thức ở các vùng trong tỉnh.

Vào đầu những năm 1929, trước sức mạnh của phong trào cách mạng, nhận thấy tôn chỉ và khẩu hiệu của Thanh niên không còn phù hợp với tình hình, những người tiên tiến trong Việt Nam cách mạng Thanh niên ở trong và ngoài nước lần lượt giải thể Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Tại Quảng Trị, để xúc tiến việc xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, ngày 15-5-1929, đồng chí Trần Văn Cung đến Quảng Trị gặp đồng chí Nguyễn Đình Cương bàn việc giải tán Thanh niên, thành lập nhóm cộng sản ở địa phương. Ngày 16-5-1929, Nguyễn Đình Cương triệu tập một số hội viên Thanh niên tích cực ủng hộ tổ chức cộng sản họp tại làng Long Hưng (Hải Lăng). Hội nghị đã nhất trí giải tán Thanh niên, thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị gồm 7 đồng chí: Nguyễn Đình Cương, Đoàn Lân, Trần Hữu Dực, Trịnh Đức Tân, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Đạm, Nguyễn Ngung. Đây là nhóm cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị, thể hiện những nét độc đáo, sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào địa phương.

Trong bối cảnh có nhiều đảng phái muốn tranh giành, lôi kéo quần chúng, gây ảnh hưởng quyền lực chính trị, nhóm cộng sản đã thông quan Đoàn Bá Thừa vận động bà Đoàn Thị Ái ở An Tiêm nuôi dưỡng đồng chí Trần Hữu Dực mở lớp dạy học, làm nơi liên lạc và cơ sở hoạt động của nhóm; in và rải truyền đơn để khuếch trương thanh thế, lôi kéo lực lượng.

Vụ rải truyền đơn cộng sản vào tối 17-6-1929 làm chấn động dư luận, gây xôn xao khắp mọi nơi trong tỉnh. Bọn mật thám huy động lực lượng bủa vây, số người bị bắt ngày càng nhiều, chỉ tính trong 2 tháng 7 và 8/1929, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 60 người bị bắt, trong đó có 39 Hội viên Cách mạng thanh niên cùng nhiều đảng viên Tân Việt, Hội viên Hội Hương nghiệp xã hội. Đồng chí Trần Hữu Dực, Đoàn Lân trong nhóm Cộng sản bị địch bắt, bị giam cầm tại nhà lao Quảng Trị. Tại nhà lao Quảng Trị, đồng chí Trần Hữu Dực cùng một số đảng viên cộng sản vừa tìm mọi cách liên lạc, giúp đỡ anh chị em bên ngoài hoạt động vừa tổ chức tìm cách đối phó với địch, chăm sóc người ốm đau, cùng nhau tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong nhà tù; vận động anh em bớt suất ăn hàng ngày của mình để có tiền mua giấy mực dùng cho việc xuất bản tờ báo Tiến lên.

Báo Tiến Lên được lưu hành trong nội bộ Thanh niên. Nhiều hội viên đã chuyền tay nhau đọc say sưa. Nhờ đó, các Hội viên đã hiểu rõ mục đích, lý tưởng của Đông Dương cộng sản Đảng, đã đứng ra tuyên truyền, vận động, giải thích cho quần chúng giữ vững tin thần cách mạng, bảo vệ các quyền lợi đã giành được . Một số đồng chí khác chưa sa vào tay giặc như Hoàng Thị Ái, Nguyễn Đạm, Nguyễn Xuân Luyện đã tìm cách vào Hội An hoặc ra Vinh hoạt động, xây dựng cơ sở, tiếp tục bắt mối để xây dựng cơ sở Đảng ở Quảng Trị.

Trước sự lùng sục, bắt bớ, vây rắp, đàn đáp của kẻ thù việc xây dựng Đảng ở Quảng Trị bị chững lại mất 4-5 tháng. Đến tháng 11-1929, trong dịp kỷ niệm cách mạng Tháng 10 Nga, qua thư chỉ đạo của đồng chí Đoàn Lân, Đoàn Bá Thừa từ trong các nhà tù, ở bên ngoài các đồng chí đã vận động, thành lập chi bộ An Tiêm.

Trước những khởi sắc trên địa bàn tỉnh, Lê Viết Lượng, cán bộ của Xứ ủy đang dạy học và hoạt động ở Huế được đồng chí Hoàng Thị Ái cung cấp tình hình, giới thiệu cơ sở đã ra Quảng Trị liên lạc với đồng chí Lê Thế Tiết. Hai người gặp nhau, bàn bạc nhất trí chuyển một số đảng viên Tân Việt, hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên sang Đảng viên cộng sản và bàn cách tổ chức, thành lập chi bộ. Tháng 1-1930, ở Quảng Trị thành lập thêm 2 chi bộ là Tường Vân (Triệu Phong) chi bộ Tân Tường (Cam Lộ).

An Tiêm, Tường Vân, Tân Tường là ba chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. 3 hạt giống đỏ đầu tiên ra đời là tiền đề quan trọng xúc tiến việc thành lập các chi bộ ở các địa bàn trong tỉnh. Đến tháng 3/1930, đã có hàng chục làng xóm trong tỉnh có đảng viên hoặc thành lập được chi bộ.

Chuẩn bị việc thành lập Đảng bộ tỉnh, giữa tháng 4/1930, phái viên của phân khu ủy xứ ủy Trung kỳ đến gặp đồng chí Lê Thế Tiết tại làng Tường Vân, bàn việc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị, giao đồng chí Lê Thế Tiết chịu trách nhiệm. Tại làng Tường Vân, đồng chí Lê Thế Tiết và  đồng chí Trần Hữu Dực thống nhất số người tham gia vào Tỉnh ủy, chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị thành lập Tỉnh ủy.

Điều kiện đã chín muồi, ngày 21/4/1930, Ban vận động họp tại nhà ông Nguyễn Phu ở làng Đại Hào (Triệu Phong) có đồng chí phái viên Xứ ủy tham dự. Sau khi nghe thông báo về tình hình Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đọc thư của Quốc tế cộng sản, hội nghị lần lượt nghe các đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực báo cáo về các cơ sở Đảng do mình đã xây dựng trong thời gian qua. Hội nghị nhất trí thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị  gồm 3 ủy viên. Đồng chí Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Tháng 10/1930, đường dây liên lạc giữa Thừa Thiên và Quảng Trị bị vỡ, đồng chí Lê Thế Tiết và Nguyễn Hữu Mão trong Ban Tỉnh ủy lâm thời bị địch bắt. Tháng 11/1930, Tỉnh ủy chính thức được thành lập, đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư.

Là một trong những Đảng bộ thành lập sớm so với cả nước. 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, luôn được nhân dân tin yêu, giúp đỡ và hết lòng xây dựng, đã và ngày càng phát triển, ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Những tấm gương chiến đấu kiên trung, sự hoạt động khôn khéo, mềm dẽo và mưu lược của nhiều cán bộ, đảng viên trong quá trình đấu tranh lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, 02 cuộc kháng chiến trường kỳ, xây dựng và phát triển quê hương mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị. Từ 3 chi bộ đầu tiên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã có 2.158 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, 256 chi bộ trực thuộc với 46.903 đảng viên. Đảng bộ tỉnh đã trải qua 16 kỳ đại hội, mỗi lần đại hội là một dấu mốc mới trên chặng đường phát triển, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Thu Hà (biên tập)

1838 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 845
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 845
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76806084