Dân Quảng Trị khóc ngất giữa vườn cao su gãy đổ 

Bão số 10 để lại hậu quả vô cùng nặng nề với người dân, nhất là những người trồng cao su ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Huyện Vĩnh Linh là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, có 1.500ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn.

Ông Phan Ngọc Khoa, Chủ tịch xã Vĩnh Trung dẫn chúng tôi đến từng vườn cao su của nông dân bị thiệt hại. Một cảnh tượng rất đau lòng vì tất cả vốn liếng, công sức của người dân đầu tư hàng chục năm trồng cao su, bây giờ bay theo bão trong vài tiếng. Những vườn cao su đang cho khai thác mủ ngã rạp xuống, gãy ngang thân, bắn ra từng dòng nhựa trắng xóa đổ xuống đất.

Anh Nguyễn Văn Lớn ở thôn Thủy Trung trồng 1ha cao su đã 10 năm. Bão số 10 vừa tan, khi chạy ra thăm vườn anh không tin nổi mắt mình vì cả vườn cây cao su bị gãy hơn 95%, bão gần như xóa sạch công sức tạo dựng của gia đình anh. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và kỳ vọng cây cao su giúp nông dân đổi đời giờ tan biến theo bão. Anh Lớn cho biết gia đình anh chưa thu được bao nhiêu từ việc cạo mủ cao su, giờ coi như mất hết vì bão.

Ông Phan Ngọc Khoa, Chủ tịch xã Vĩnh Trung cho biết, xã có 600ha cao su đang cho khai thác mủ. Bão số 10 vào đã bẻ gãy hết 60 đến 70% diện tích cây cao su, gần như xóa sổ. Số cây còn lại chưa bị gãy cũng bị bão thổi long gốc, đứt rễ nên cũng chẳng còn đủ sức cho mủ. Ông Khoa cho biết mấy hôm nay tâm lý mất đi của cải sau bão đã làm cho nhiều nông dân trồng cao su đứng ngồi không yên. Nhiều người ra thăm vườn rồi đứng lặng nhìn vườn cây ngổn ngang.

08-39-43_vinh_linh_2
Xót xa khi nhìn từng dòng nhựa trắng từ thân cây cao su gãy đổ chảy xuống đất
Cao su rất nhạy cảm với gió, chỉ cần tốc độ gió trung bình năm 2 - 2,9m/s đã ảnh hưởng trong khi Quảng Trị là “rốn gió” có tốc độ trung bình 2,2 - 3,9m/s, nghĩa là không có bão mà gió thôi cây cao su đã bị ức chế, ra mủ kém rồi. Gió cấp 5, cấp 6 lá cao su sẽ héo và rách; cấp 8 trở lên cây bắt đầu bị bẻ cành, gãy ngọn, trên cấp 10 toàn bộ cây ngã đổ không phục hồi được. Nhiều người cho rằng trồng cao su ở Quảng Trị thực sự là một canh bạc với trời vì bão tố liên tục xảy ra hàng năm.

Tại huyện Vĩnh Linh thì xã nào cũng bị thiệt hại lớn về cây cao su. Vợ chồng anh Hoàng Văn Dưỡng ở thôn Trại Cá, xã Vĩnh Thủy có 2ha cao su. Ngần ấy diện tích cao su cho cạo mủ mỗi ngày gia đình anh Dưỡng thu về 2 triệu đồng.

Trận bão số 4 hôm tháng 7/2017 chỉ thoáng qua thôi cũng đã bẻ gãy của gia đình anh hết 300 cây. Bây giờ bão số 10 đi qua đã bẻ gãy gần như hết tất cả những cây cao su còn lại trong vườn.

Nhìn cây đổ ngổn ngang, vợ chồng anh Dưỡng khóc nức nở giữa vườn cao su. Anh Dưỡng cho biết, năm 2013, trận bão lớn cuối tháng 10 đã khiến vườn cao su của gia đình anh gãy đổ rất nhiều. Anh phải tốn đến 15 triệu đồng tiền thuê công chống đỡ vườn cây sau bão và mới phục hồi được ba năm thì nay lại gặp bão tiếp. Trận bão số 4 tháng 7/2017 đi qua, anh Dưỡng cũng tốn 15 triệu đồng thuê chống đỡ cây cao su.

Sau trận bão số 10 này thì không còn cao su mà chống đỡ nữa. Những cây còn lại cũng đã xiêu vẹo, đứt rễ, khó có khả năng phục hồi cho mủ.

Theo anh Dưỡng, cao su sau 10 đến 12 năm có giá trị mỗi cây gần 1 triệu đồng nhưng giờ bị gãy đổ mang ra bán gỗ mỗi cây chỉ 30 ngàn đồng, mà chưa kể phải trả tiền công thuê người cưa cây mỗi ngày 500 ngàn đồng.

08-39-43_vinh_linh_3
Vợ chồng anh Dưỡng đứng thẫn thờ giữa vườn cao su bị gãy đổ

Người có vườn cao su gãy đổ nhiều nhất ở huyện Vĩnh Linh là ông Đỗ Duy Thảo ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy. Ông Thảo có 7ha cao su đang cho khai thác mủ, bão số 10 vào quật gãy hết 1.700 cây, tương đương diện tích hơn 3ha. Số cây cao su còn lại không gãy thì bị xoắn thân, đứt rễ nên không thể cho mủ để tiếp tục cạo. Đau đớn nhìn vườn cây bị gãy như trận bom càn, ông Thảo cho biết ông sẽ cưa hết số cây cao su còn lại, dọn sạch vườn để trồng mới cao su. Ông Nguyễn Quang Hạnh, trưởng thôn Tân Thủy cho biết 100% gia đình trồng cao su ở thôn này bị thiệt hại ít nhất từ 50 đến 60% diện tích.

Ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, về số học mà đếm cây gãy để nhân lên theo tỷ lệ 500 cây/ha thì Vĩnh Linh có 1.500ha cao su bị bão làm gãy đổ hoàn toàn. Song về mặt khoa học mà nói thì bão số 10 đã làm thiệt hại quá lớn, gần như toàn bộ diện tích hơn 6.500ha cao su của bà con nông dân bị ảnh hưởng. Bão quật lên, quật xuống theo nhiều hướng gió trong thời gian dài đã làm cho cao su bị bong gốc, xoắn mình, đứt rễ, những cây không đổ cũng rất khó để cho mủ.

Cũng theo ông Hùng thì từ kinh nghiệm của trận bão năm 2013 cho thấy những vườn cao su phục hồi sau bão cho sản lượng mủ chỉ bằng 10 đến 15% trước bão mà công sức phục hồi, chăm sóc rất tốn kém, không khác gì trồng mới. Do đó một số bà con nông dân đã đề xuất và huyện cũng có chủ trương thống nhất với những vườn cao su thiệt hại dưới 20% thì giữ lại, còn thiệt hại trên 20% thì cưa bỏ, tìm cây trồng khác phù hợp...

Theo ông Hùng, nếu tính trung bình mỗi hecta cao su đang cho khai thác mủ có trị giá 300 triệu đồng thì tổng số 1.500ha cao su bị gãy ở Vĩnh Linh đã gây ra thiệt hại cho người nông dân đến 450 tỷ đồng.

LÂM QUANG HUY
612 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1109
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1109
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177375