Liên tục cải thiện
Về các kết quả hoạt động cải cách hành chính ngành ngân hàng, đại diện các vụ, cục của NHNN cho biết, NHNN đã bám sát vào các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng mục tiêu của ngành là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh.
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Huy Thắng. |
Vì thế, thời gian qua, hệ thống tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính; chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi… Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ động rà soát tổng thể về phí, giá dịch vụ, giảm thiểu nhiều loại phí, nâng cấp hệ thống công nghệ…
Nhờ những hoạt động trên, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), ngang bằng với Singapore và Malaysia – các nước đứng đầu nhóm ASEAN 4. NHNN cũng 3 lần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của bộ, ngành.
Tuy đạt được kết quả khả quan nhưng tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị phải rà soát, phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, cắt giảm điều kiện kinh doanh…
Lãnh đạo NHNN cũng thẳng thắn cho rằng, việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp dù đã có cải thiện nhưng ở một số nơi còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tại một số vùng ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong việc thu mua lúa, thủy hải sản… hay vùng Tây Nguyên trong việc trồng cây cao su, cà phê… Lãnh đạo NHNN cũng đã có chỉ đạo đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý tích cực, hằng tháng có rà soát để giải quyết những vướng mặc kịp thời cho doanh nghiệp.
Cần liên thông nhiều hơn giữa các bộ, ngành
Cũng tại hội nghị, theo yêu cầu của lãnh đạo NHNN, đại diện TCTD, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đã có những báo cáo về kết quả hoạt động và nêu một số kiến nghị để hoạt động cải cách thủ tục hành chính được hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV, ngân hàng đã tăng cường công nghệ thông tin giúp tăng năng suất công việc lên 5-10%; ban hành 40 văn bản nhằm cải cách thủ tục, giảm thời gian xử lý từng khoản vay; áp dụng giao dịch giải ngân “một cửa”, giảm số lượng chữ ký và hồ sơ khách hàng… nhưng vẫn đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN.
Tuy nhiên, để hoạt động thời gian tới hiệu quả hơn, phía BIDV kiến nghị, cần có cơ chế về hồ sơ linh hoạt, ban hành các quy định pháp lý đối với hoạt động cấp tín dụng trực tuyến, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng…
Cũng về vấn đề này, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho biết, trong hoạt động thanh toán, Vietcombank đã kết nối với 34 chi cục Hải quan, 63 chi cục Thuế, 53 đơn vị bảo hiểm… nên mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, bà Đinh Thị Thái đề nghị cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp lý theo hướng chặt chẽ nhưng giảm các thủ tục không cần thiết.
Ngoài ra, trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tội phạm tài chính… ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ kịp thời hơn từ các bộ ngành như: Công an, Ngoại giao, Tư pháp… trong việc cảnh báo sớm rủi ro, giúp ngân hàng hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả phòng chống tội phạm.
Có cùng quan điểm, đại diện một ngân hàng cổ phần tư nhân, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Techcombank đề nghị các cơ quan quản lý nên xây dựng hệ thống liên thông thông tin. Bởi hiện nay, việc cung cấp thông tin chỉ từ một phía ngân hàng, ở chiều ngược lại khó khai thác thông tin từ phía cơ quan chức năng nhằm nhận diện khách hàng. Vì thế, đại diện Techcombank đề nghị các cơ quan chức năng làm đầu mối kết nối doanh nghiệp như thuế, hải quan có thể cung cấp thông tin, để ngân hàng đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Quan đó, các ngân hàng cũng biết được doanh nghiệp nào còn nợ thuế hay có vấn đề về hàng hóa. Hơn nữa, cũng qua đây, ngân hàng có thể nhìn sâu vào đặc thù từng lĩnh vực của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách tín dụng sát hơn, cởi mở hơn.
|
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quán triệt các TCTD phải bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng phát huy thế mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ra các sản phẩm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
“Ngành ngân hàng đang đứng đầu nhưng việc này không có nghĩa là chủ quan, làm vừa phải, mà toàn hệ thống cần xác định quyết liệt cải cách tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý các đơn vị.
Cần phải triển khai đồng bộ các mặt từ hành chính, tài chính công, bộ máy tổ chức… Đặc biệt, các ngân hàng cần tiếp tục cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, cắt giảm điều kiện kinh doanh…
Việc ban hành khung pháp lý phải bám sát thực tiễn, đơn vị nào cải cách thủ tục chậm trễ, để môi trường pháp lý rủi ro sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu.
Đặc biệt, khi thực thi chính sách, vấn đề con người là quan trọng. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đạo đức công vụ, không còn hiện tượng sách nhiễu, phiền hà… Ngân hàng và doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh, hợp tác, không để tình trạng doanh nghiệp phải “quan hệ”, xin cho.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN; ứng dụng mạnh mẽ tin học trong thực hiện cơ chế một cửa và hoạt động giải quyết TTHC.
Cần xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; nghiên cứu, áp dụng các mô hình, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử (QR code, Tokenization, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc...).
Cần tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị các TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay tập trung vào việc rà soát, sửa đổi, các biểu mẫu, hợp đồng, hồ sơ, thủ tục xử lý nội bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý khoản vay….
“Việc quản lý hợp đồng tín dụng cũng phải theo mẫu thống nhất, bảo đảm bình đẳng, minh bạch, dễ hiểu giữa các bên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Thống đốc đề nghị.
Huy Thắng