Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, trong không khí dân chủ và thẳng thắn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã khép lại.
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Phiên chất vấn đã ghi nhận 122 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn; có 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu.
Trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, phiên chất vấn diễn ra không chỉ có sự trao đổi, tranh luận giữa ĐBQH với người được chất vấn, mà còn chứng kiến sự tranh luận sôi nổi giữa các ĐBQH với nhau để giúp cử tri có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về vấn đề mình quan tâm; đồng thời thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng người dân, ĐBQH và các thành viên Chính phủ.
Thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ vấn đề chất vấn
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): Qua các nội dung chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời, đã cho thấy sự tương tác rất ăn ý, trọng tâm, đặc biệt các Tư lệnh ngành đã trả lời giải quyết căn cơ, trách nhiệm những vấn đề nóng cử tri đang quan tâm. Ví dụ như vấn đề về môi trường, giải quyết hậu quả bão lụt miền Trung cũng như thực hiện phòng chống đại dịch COVID-19 .
Qua phiên chất vấn, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biên pháp đồng bộ, quyết liệt và đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiên có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hôi, tạo sự chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
|
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội). |
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến cho rằng, để góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo 2021-2025, cần đặt ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung những vấn đề làm sao để cải tiến, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, cơ chế chính sách của hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện; bổ sung những chố trống để tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn, thuận lợi hơn cho quản trị quốc gia cũng như mục tiêu xây dựng phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt để tạo ra năng suất lao động quốc gia lớn hơn phải thu hút được nguồn lực tốt. “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã rất trăn trở và đưa ra các giải pháp căn cơ.
Liên quan đến vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm, Đại biểu bày tỏ ấn tượng với phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về những giải pháp căn cơ để xử lý hậu quả của môi trường, chú trọng giảm thiểu thiệt hại do bão lũ miền Trung gây ra cho người dân.
Đề cập đến việc thực hiện mục tiêu Quốc hội đặt ra cho ngành tư pháp, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nhận định, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, thẳng thắn không né tránh những vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm, đó là: tình trạng đơn giám đốc thẩm tồn đọng, tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp hay vấn đề chỉ đạo án trong xét xử... Cùng với đó là những giải pháp đưa ra có sức thuyết phục, trách nhiệm , trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của toàn ngành tòa án, cần cùng nhau nỗ lực giải quyết, để thực hiện đúng chỉ tiêu Quốc hội đặt ra.
Nói về phiên chất vấn của Quốc hội, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) nhận thấy các ý kiến chất vấn và trả lời rất đa dạng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đời sống của đất nước thời gian qua.
Đại biểu bày tỏ ấn tượng với phần trả lời của các Thành viên Chính phủ, các tư lệnh ngành khá tốt, đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của đại biểu và cử tri đặt ra, nhất là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những câu trả lời rất sâu giúp cho đại biểu và cử tri hiểu rõ vấn đề về tự chủ đại học.
“Lần này tiến hành chất vấn mở, tất cả các thành viên Chính phủ đều có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, qua đó thể hiện được năng lực, bản lĩnh của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành của mình”, đại biểu chia sẻ.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), Phó Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, một trong những điểm nhấn tại phiên chất vấn này là các Trưởng ngành đã tiếp thu một cách cầu thị, nhận trách nhiệm rõ ràng, không đổ lỗi cho Bộ, ngành, cơ quan nào. Tuy nhiên, cũng có vấn đề các Tư lệnh ngành trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa đi thẳng, làm rõ vấn đề nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), Phó Trưởng Ban dân nguyện của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội . Ảnh: TH.
|
Về phía các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu hỏi đi hỏi lại các nội dung đại biểu khác đã hỏi rồi hay hỏi không rõ ràng khiến các Tư lệnh ngành khó khăn trong trả lời hay trả lời không trúng vấn đề.
Đặc biệt, dù việc mở rộng nội dung chất vấn khiến số lượng ĐBQH đăng ký rất nhiều, tạo sức ép lớn trong công tác điều hành; song đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các vấn đề được cử tri, ĐBQH đặt ra đã được các tư lệnh ngành, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ tập trung làm rõ, cũng như tạo điều kiện cho ĐBQH truy vấn trách nhiệm đến cùng,tạo không khí dân chủ trong Nghị trường, thống nhất trong thực hiện chất vấn.
Phân tích sâu hơn về chất lượng, cách thức chất vấn, trả lời lời chất vấn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng thời gian để các đại biểu chất vấn được quy định 1 phút như hiện nay là hơi ngắn, chưa hợp lý. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri cả nước, có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc cần các thành viên Chính phủ trả lời, vì vậy, nếu thời gian kéo dài hơn, mỗi đại biểu được hỏi nhiều nội dung sẽ hiệu quả hơn.
Sẽ giám sát tới cùng lời hứa của các Bộ trưởng
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhận định, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn vừa qua đã mang lại nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong 3-4 năm vừa qua, kinh tế đã phát triển nhanh, từ đó tạo lập được niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ. Tuy vậy, vào năm 2020, do đại dịch COVID-19, cũng như bão lũ, thiên tai liên tiếp, khiến những kết quả về kinh tế không được như mong đợi, nhưng những quyết sách, sự điều hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống COVID-19 và từng bước phục hồi kinh tế là rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Khánh Hòa cũng cho rằng Thủ tướng đặt ra mục tiêu và nền tảng trong nhiệm kỳ này là “Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ nhân dân là rất đúng đắn. Tuy nhiên, về việc cử tri và nhân dân đã thỏa mãn với những mục tiêu đó chưa thì đại biểu cho rằng còn đâu đó chưa thỏa mãn. Ví dụ: tham nhũng còn tồn tại, cử tri bức xúc. Hay Chính phủ phục vụ nhân dân thì cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa…
|
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) |
Với những kết quả Chính phủ đã đạt được trong thời gian, với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng trong bài phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay, Đỗ Ngọc Thịnh bày tỏ tin tưởng Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ thực hiện tốt mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
“Tôi mong muốn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đến các giải pháp phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, ĐB Thịnh nói.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sẽ giám sát tới cùng lời hứa của các Bộ trưởng. Theo đó, ĐB sẽ sát sao theo dõi quá trình triển khai Bộ, ngành về vấn đề ĐB nêu lên đến đâu, cũng như thông qua các kênh truyền thông sẽ quan sát, phát hiện. Nếu chưa thực hiện, sẽ tiếp tục gửi văn bản kiến nghị đến các Bộ, ngành.
Đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn Sơn La) và một số đại biểu khác cũng bày tỏ sự quan tâm và khẳng định sẽ giám sát việc hiện những lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, cử tri và nhân dân tại phiên chất vấn, nhất là tại thời điểm quan trọng, chuyển giao nhiệm kỳ.
“Nếu đặt đất nước trong bối cảnh khó khăn, thì các Bộ trưởng nên chọn vấn đề theo hướng “nói được làm được”, ĐB Quàng Văn Hương nói.
Có thể khẳng định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp. Như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi phát biểu kết luận về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: “Kết quả của phiên chất vấn hôm nay sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội XIV và XV, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội Khóa XIV trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của cả nhiệm kỳ, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những nhiệm kỳ tiếp theo”./.