Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đang khảo tả dấu chân bò tót tại KBT.
Đoàn cán bộ chuyên môn của Chi cục đã ghi nhận bước đầu, có nhiều dấu chân và phân của bò tót để lại, dấu chân lớn nhất có đường kính 13cm. Theo ông Trần Văn Tý, những dấu chân và phân này qua phân tích cho thấy, chính xác là của ba con bò tót. Điều này càng khẳng định môi trường sống tại KBT luôn bảo đảm, công tác bảo tồn động vật quý hiếm ở Quảng Trị được thực hiện rất tốt nên bò tót các nơi khác tìm về trú ngụ.
Cách đây gần mười năm, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, thuộc Phòng Bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cùng đoàn cán bộ chuyên môn đã đặt bẫy tại khu vực đỉnh Pa Thiên, xã Hướng Sơn, thuộc KBT này đã ghi lại được hình ảnh hai con bò tót đang hoạt động kiếm ăn bình thường.
Lúc đó, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã thực hiện đề tài khoa học bảo tồn và phát triển đàn bò tót ở KBT, nhận định đàn bò tót trong KBT có thể từ sáu đến bảy cá thể. Ví trị hai xã Hướng Lập (nơi vừa phát hiện bò tót) và Hướng Sơn (nơi đã ghi hình bò tót) có chung ranh giới xã, đều thuộc phạm vi của KBT.
Sự xuất hiện đàn bò tót mấy ngày qua ở khu vực KBT là hoạt động bình thường của bò tót khi mùa xuân đang đến gần, đất trời bắt đầu hiền hòa trở lại, có nhiều thức ăn lá non, mầm tre non, cỏ non mới mọc ở nương rẫy nên bò tót thường mở rộng phạm vi hoạt động để tìm kiếm thức ăn.
Bò tót có tên khoa học Bos gaurus, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp quý hiếm theo Nghị định 32 của Chính phủ.
Cán bộ Kiểm lâm Quảng Trị buộc bẫy vào thân cây bí mật ghi hình bò tót ở KBT thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Hai còn bò tót được ghi hình tại đỉnh Pa Thiên trong KBT.
Dấu chân của bò tót vừa để lại ở xã Hướng Lập, thuộc KBT.
LÂM QUANG HUY