Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Lễ, Tết 

(ĐCSVN) - Thực hiện Công điện của Bộ Giao thông vận tải về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội đầu Xuân 2019, các lực lượng chức năng địa phương khu vực phía Nam đã tăng cường phối hợp với nhau triển khai công tác này, trong đó có lĩnh vực vận tải hành khách đường thủy nội địa…

 

Bến phà Cát Lái trên địa bàn quận 2, TP. Hồ Chí Minh

(Ảnh: K.V)

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ đã có công văn đề nghị Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ; các đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa cố định trên địa bàn TP. Cần Thơ thực hiện một số nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải hành khách đường thủy nội địa. Sở đã đề nghị Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, đây là đơn vị quản lý bến tàu khách Cần Thơ có kế hoạch sửa chữa mặt bằng bến bãi, sắp xếp khu vực lên, xuống khách trật tự, hợp lý, phân công lãnh đạo bộ phận trực và bố trí nhân viên vệ sinh đảm bảo mỹ quan tại bến nhằm phục vụ hành khách đi lại an toàn thông suốt. Kiểm tra phương tiện ra, vào bến đảm bảo điều kiện an toàn; thuyền viên, người lái phương tiện không sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông; hướng dẫn hành khách mặc, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy.

Các phương tiện được đưa vào hoạt động phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền, có đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật còn hiệu lực; người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng loại phương tiện. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định thực hiện niêm yết công khai giá vé, tránh trường hợp tăng giá vé trái quy định. Chỉ đạo Ban điều hành bến tàu khách Cần Thơ giám sát việc các phương tiện ra, vào bến đúng thời gian quy định nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại bến.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhất là Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV kiểm tra cấp giấy ra, vào bến cho phương tiện theo đúng quy định. Ngoài ra phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra Sở và chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và tránh ùn tắc giao thông ở khu vực bến tàu và xung quanh bến tàu. Kiên quyết xử lý nghiêm nạn chèo kéo, cò mồi bắt khách làm mất an ninh trật tự, không cho phương tiện xuất bến khi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định hoạt động vận tải đường thủy và các quy định khác có liên quan.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy nội địa, khi đưa phương tiện vào hoạt động phải đảm bảo có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực theo quy định, có chứng nhận đăng ký phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba. Thuyền viên và người lái phương tiện phải có bằng cấp, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ theo quy định, phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Niêm yết tại bến tàu, tại quầy bán vé các thông tin về thời gian xuất bến, số chuyến lượt, giá vé, chính sách giảm giá vé theo quy định pháp luật và của người kinh doanh vận tải, hành trình, bao gồm cả các điểm dừng nghỉ, thời gian dừng, nghỉ, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, bảo hiểm hành khách, hành lý miễn cước, số điện thoại nhận thông tin phản ánh của hành khách. Niêm yết trên tàu: số điện thoại đường dây nóng của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý, đơn vị tìm kiếm cứu nạn và nội quy đi tàu. Thường xuyên nhắc nhở nhân viên phục vụ và thuyền viên về ý thức chấp hành quy định pháp luật, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không chở quá sức chở của phương tiện, không vận chuyển các loại hàng cấm, hàng dễ cháy nổ…

Còn tại Hậu Giang, trước thời tiết bất thường của khí hậu, từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi không thể lường trước được những rủi ro của mưa bão cuối năm, do đó, các lực lượng chức năng, nhất là Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hậu Giang tăng cường phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các chủ bến đò ngang, người tham gia giao thông, phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, mở các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm. Tiến hành rà soát, thống kê các phương tiện thủy trên địa bàn để vận động các chủ phương tiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo đúng quy định. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và dịp Lễ hội đầu xuân, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đến các đối tượng tham gia giao thông trên tuyến này, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, lên án, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

Song song với đó là tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm và phòng, chống tội phạm, các hành vi xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong hành lang bảo vệ luồng và xâm phạm các công trình kỹ thuật hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cũng như phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, sẽ phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy…

Theo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy với tổng chiều dài hơn 1.000km, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Toàn Thành phố còn có 9 tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài hơn 200km và 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài gần 600km. Cùng với đó là gần 350 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Để đảm bảo an toàn trong dịp Lễ, Tết sắp tới và ứng phó kịp thời với những sự cố như mưa bão, gió giật xảy ra thời điểm cuối năm, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, các bến khách ngang sông tại quận 8, 12, huyện Bình Chánh, Nhà Bè đều được trang bị áo phao đầy đủ trên các phương tiện, hạ tầng phục vụ đưa đón hành khách đáp ứng quy định. Khu quản lý đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh hiện được phân cấp quản lý 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương. Để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy, Khu quản lý đường thủy nội địa đã yêu cầu các đơn vị liên quan, đồng thời đề nghị chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông thủy, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, các bến thủy hoạt động trái phép.

Về hoạt động của các bến khách ngang sông, theo lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, các điều kiện an toàn hoạt động bến thủy nội địa đưa rước hành khách, xếp dỡ hàng hóa, phương tiện vận tải thủy, kiểm soát tải trọng phương tiện theo quy định. Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm, khu vực phía Nam hay phải hứng chịu nhiều hiện tượng mưa bão, ngành chức năng sẽ tăng cường thực thi công tác cảng vụ đối với các phương tiện thủy vào, rời cảng, bến thủy nội địa theo đúng quy định, tuyệt đối không cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa cho phương tiện thủy không đủ các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định.

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, sở, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc đề nghị tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão cuối năm và dịp Lễ, Tết cận kề. Theo đó, đề nghị lực lượng Cảnh sát đường thủy, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn Thành phố, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định đối với phương tiện vận tải hành khách, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép và các hành vi vi phạm quy định khác. Phương tiện phà, phao nổi bảo đảm các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác và tuyệt đối không chở quá trọng tải cho phép./..

 

K.V

527 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1227
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1227
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177820