Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019. Dự án có tổng chiều dài 98,35km, điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Dự án đoạn qua tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài tuyến 37,3km, đoạn qua Thừa Thiên Huế là 62,5km.
|
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai thi công. Ảnh: Văn Dinh
|
Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu
Dự án có 11 gói thầu xây lắp, đoạn qua tỉnh Quảng Trị có 3 gói thầu, đoạn qua Thừa Thiên Huế có 8 gói thầu. Trong đó, 2 gói thầu đầu tiên (1 và 2) khởi công tháng 9/2019, 3 gói có quyết định trúng thầu cuối năm 2019, các gói còn lại có quyết định trúng thầu cuối tháng 4/2020.
Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, 11 gói thầu tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được các nhà thầu đồng loạt triển khai thi công. Các gói thầu mới có quyết định trúng thầu cách đây 2 tháng cũng đã tích cực triển khai hiện trường, khẩn trương đào bóc hữu cơ, thi công nền đường, cầu, cống...
Tại Quảng Trị, với sự vào cuộc tích cực của địa phương, Phòng điều hành dự án và các Sở ngành, đặc biệt nhà thầu Công ty CP Thương mại và Dịch vụ 68 trong việc tuyên truyền, vận động… điểm vướng mặt bằng cuối cùng (dài khoảng 300m, thuộc gói thầu số 2) của dự án trên đoạn qua tỉnh Quảng Trị đã được tháo gỡ, người dân đang chặt cây để bàn giao mặt bằng. Đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều đoạn chưa bàn giao mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ”...
“Đoạn Huế còn vướng mặt bằng khoảng hơn 9km, chủ yếu tại thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy. Tình trạng vướng mặt bằng này khiến phương án bố trí các mũi thi công của một số nhà thầu gặp không ít khó khăn. Đoạn sát tuyến tránh Huế đi qua nhìn có cảm giác thi công lèo tèo là đoạn mặt bằng bị xôi đỗ nhiều nhất…” - ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.
|
Thừa Thiên Huế còn vướng mặt bằng 9km
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương cho biết, đây là dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, suốt thời gian qua tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, các địa phương cũng đã có cam kết với tỉnh về tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
“Để bàn giao phần mặt bằng còn lại đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở TN&MT tổ chức họp Hội đồng tư vấn giải quyết các vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB, tái định cư của tỉnh ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị, đề xuất từ phía các cơ quan, địa phương; tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương, phương án giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể...”, ông Phương nói.
Phê bình việc thi công chậm các khu tái định cư
Dự án đoạn qua Thừa Thiên Huế phải xây dựng tất cả 9 khu tái định cư (TĐC), hiện nhiều khu đã cơ bản hoàn thành san nền, điện nước... Tuy nhiên 2 khu TĐC đang thi công “chậm như rùa” là khu TĐC Hương Xuân (thị xã Hương Trà) và khu TĐC xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy).
|
Các khu tái định cư ở Huế vẫn chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Văn Dinh
|
Ông Nguyễn Văn Phương phê bình việc chậm trễ tiến độ thi công tại 2 khu TĐC trên, yêu cầu UBND thị xã Hương Trà, UBND thị xã Hương Thủy kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành, tuân thủ chỉ đạo của tỉnh, để xảy ra tình trạng chậm, trễ tiến độ tại các khu TĐC.
Để đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND thị xã Hương Trà và Hương Thủy chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bàn giao mặt bằng sạch 100% trong quý II/2020 (gồm các dự án TĐC; tháo dỡ di dời nhà dân và công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi phạm vi dự án).
|
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các địa phương, nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ
|
Cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT - Lê Đình Thọ đã trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án, đánh giá cao các đơn vị triển khai dự án, đồng thời yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đôn đốc một số nhà thầu huy động, bố trí máy móc thiết bị tại các mũi thi công trên công trường theo quy định.
“Hiện nay thời tiết thuận lợi, các nhà thầu cần phải tập trung nỗ lực, quyết liệt triển khai, bố trí ca kíp thi công chặt chẽ, hợp lý để đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án. Một số nhà thầu phải chấn chỉnh công trường, để vật liệu sắt thép gọn gàng, tuân thủ công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các đơn vị triển khai dự án phải tuân thủ quy trình, hồ sơ thủ tục, chỉ dẫn kỹ thuật. Nghiêm cấm việc tiền trảm hậu tấu, nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định...” Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, các gói thầu của dự án nên học tập mô hình gói 1 và 2 trên cơ sở quy định về khâu tổ chức hiện trường. Kiểm soát chặt chẽ từ con người, phương tiện, xe chở vật liệu vào đều phải đăng ký. Mỏ vật liệu phải lấy đúng nơi quy định...
|
Hình hài cao tốc đang được hình thành nhưng vẫn gặp không ít vướng mắc
|
Về công tác GPMB, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng còn lại đúng tiến độ để nhà thầu đồng loạt triển khai phương án thi công đảm bảo tiến độ chất lượng, đặc biệt các đoạn phải xử lý nền đất yếu...
Văn Dinh