Đảm bảo tiến độ “phủ sóng” trạm thu phí không dừng trên toàn quốc 

(Chinhphu.vn) - Sau khi Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đến nay, Bộ GTVT đã cùng với các đơn vị tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tiến độ Chính phủ yêu cầu. Như vậy, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí đang hoạt động chưa lắp đặt ETC sẽ được chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm BOT theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước. Ảnh minh hoạ.
Ngày 25/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập với việc triển khai Dự án thu phí tự động không dừng. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm BOT theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động. Trường hợp đến ngày 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể thấy, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Dự án là việc đàm phán ký hợp đồng dịch vụ ETC giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT, giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC khiến cho việc triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng chậm trễ.

Giải quyết khó khăn

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về việc giải quyết vướng mắc về đàm phán hợp đồng dịch vụ ETC, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết thu phí tự động không dừng là mô hình mới, dùng công nghệ tự động thay thế con người. Chính vì vậy khi thực hiện dự án còn nhiều vấn đề chưa rõ về hành lang pháp lý, những phát sinh, những đối tượng liên quan. Trong khi đó lại cần sự phối hợp của nhiều chủ thể như cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ ETC, nhà đầu tư BOT, các ngân hàng và chủ phương tiện giao thông đường bộ.

Đơn cử như với nhà đầu tư BOT, dự án thu phí tự động là hạng mục được bổ sung trong khi nhà đầu tư BOT đã hoàn thành đầu tư, lắp trạm thu phí một dừng (MTC) và đã triển khai thu phí. Hạng mục lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng được bổ sung vào dự án trong khi phương án tài chính của dự án BOT đã được hoàn thiện và có sự thống nhất của ngân hàng tài trợ vốn, còn vốn tín dụng cho nhà đầu tư thực hiện thu phí không dừng lại chưa được thống nhất phương án.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ ETC, nếu phương án tài chính khả thi thì ngân hàng cũng sẽ tạo điều kiện cho vay đầu tư. Tuy nhiên, khi lập phương án tài chính, một số nhà đầu tư BOT không đáp ứng được nên ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, ngân hàng phải xem xét lại cấp tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ ETC.

“Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhà đầu tư BOT đã thế chấp tài sản dự án cho ngân hàng. Muốn đầu tư thu phí không dừng lại phải được sự đồng ý của ngân hàng. Trong khi một số trạm doanh thu chưa đủ để hoàn trả vốn vay thì ngân hàng khó đồng ý để cho vay tiếp đầu tư thu phí không dừng. Mỗi đối tượng, mỗi khâu vướng một chút, quá trình tích lũy lại ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Một nguyên nhân nữa cũng được Thứ trưởng Bộ GTVT nhắc đến là hành lang pháp lý ban đầu từ khi Dự án thí điểm đến khi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng được ban hành. Mặc dù Quyết định 07 đã cơ bản đề cập đến các đối tượng nhưng chưa giải quyết triệt để những mâu thuẫn, vướng mắc và hướng giải quyết các trạm thu phí này.

Từ thực tiễn đó, Bộ GTVT đã cùng các nhà đầu tư, các nhà cung cấp dịch vụ cùng với ngân hàng nghiên cứu, điều chỉnh lại hành lang pháp lý cho dự án. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép sửa Quyết định 07, giải quyết các bất cập cũng như đưa ra giải pháp để thực hiện dự án mang tính khả thi.

“Chính vì vậy, sau khi Quyết định 19/2019 được ban hành, Bộ GTVT đã cùng với các đơn vị tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, nhà đầu tư BOT cũng nỗ lực và ngân hàng chấp thuận cho vay để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. Đến nay tiến độ triển khai Dự án được đảm bảo theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng nói.
 
Hệ thống thu phí tự động không dừng đã được lắp đặt và sử dụng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: VGP.
Đảm bảo tiến độ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đến thời điểm này, dự án về cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đặt ra, đảm bảo đúng tiến độ đến ngày 31/12/2020 hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Quá trình triển khai vừa qua, có thuận lợi, có khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, mỗi cá nhân, đơn vị đã thấy rõ trách nhiệm của mình, vừa làm vừa hoàn thiện, khi thấy các bất cập được tập trung nghiên cứu khắc phục kỳ được. Dự án sẽ dần hoàn thiện và đạt kết quả như hiện nay. Thời gian tới, Bộ GTVT cùng các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh, chặt chẽ để vận hành khai thác thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, trong số 44 trạm thu phí giai đoạn 1 (BOO1) đã lắp đặt vận hành hai làn thu phí không dừng mỗi chiều đường ở 38/44 trạm. Tuy nhiên, đối với 5 dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN mới chỉ có dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thu phí không dừng. Đối với 33 trạm giai đoạn 2 của dự án, hiện nay có 25 trạm đã được 20 nhà đầu tư quản lý ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng.

Đối với các dự án của Tổng công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC), Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Thủ tướng Chính phủ cho phép các trạm của VEC lùi sau ngày 31/12 để xử lý các vấn đề vướng mắc, nhưng Bộ GTVT đang tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để thực hiện đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc của VEC.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung lắp thiết bị tại trạm và đẩy nhanh kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ của giai đoạn 1 (BOO1) và giai đoạn 2 (BOO2). Hai nhà cung cấp dịch vụ của cả 2 giai đoạn đều phải tuân theo công nghệ chung và thực hiện nhiệm vụ ở các trạm khác nhau. Bên cạnh đó, nhằm tạo sự thống nhất, hai nhà cung cấp dịch vụ này phải kết nối liên thông để nâng cao tính hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư.

Đối với nội dung Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 31/12/2020 nhà đầu tư nào không lắp hệ thống thu phí tự động không dừng thì sẽ dừng thu phí, ông Lê Đình Thọ nhận định “đây là chủ trương, giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện và đã đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc này”.
Xử phạt phương tiện không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng
 
Đối với một số trạm mà Bộ GTVT dự kiến chưa thực hiện thu phí không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá chặt chẽ, toàn diện, đề xuất giải pháp, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT chỉ đạo đẩy mạnh công tác dán thẻ đầu cuối đối với phương tiện tham gia giao thông, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (hiện có hơn 3,8 triệu ô tô và mỗi năm thêm 500.000 ô tô).

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các đơn vị quản lý dự án BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng trích xuất dữ liệu tại các trạm thu phí không dừng để xử phạt các phương tiện không dán thẻ thu phí tự động nhưng đi vào làn thu phí tự động, gây cản trở giao thông; cung cấp thông tin xử phạt cho Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, lên án các hành vi sai trái.
Phan Trang
450 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1265
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1265
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87175773