TS Lưu Bích Hồ. (Ảnh: HNV)
Theo TS Hồ, đây là Nghị quyết trung ương đầu tiên làm rõ vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời thống nhất trong nhận thức và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Từ đó có cơ sở để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả. Nói cách khác, Nghị quyết Trung ương 5 đã cụ thể hóa các giải pháp trên cơ sở đúc kết thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân 15 năm qua. Như vậy, đã “tháo cởi” thêm những vướng mắc đang phát sinh trong thực tiễn để đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ với phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế, khu vực tư nhân có tiềm năng rất lớn, cần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế để tạo động lực phát triển kinh tế vì đây là một nguồn lực quan trọng nhất, có tiềm năng nhất chúng ta cần khai thác để phát triển đất nước trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Đánh giá về nhận định cho rằng Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII được xem là “khoán 10”, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, hai nội dung này khác nhau. Theo ông, “khoán 10” là những “tháo cởi” cho người nông dân – xã viên hợp tác xã ra khỏi ràng buộc về đất đai, tạo động lực cho họ sản xuất. Còn Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII là “tháo cởi” cho các doanh nghiệp kinh tế tư nhân không bị khó khăn về thể chế, đất đai, vốn và điều kiện kinh doanh.
TS Hồ cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, không thể phủ nhận vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế bởi thành phần này thực sự là động lực phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh sâu rộng như hiện nay. “Chúng ta đừng để phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân. Mặc dù kinh tế nhà nước là chủ đạo, tập trung nhưng cũng phải tuân theo điều tiết của thị trường, quy luật hoạt động của thị trường, để cho kinh tế tư nhân phát triển như vốn dĩ đã có. Thậm chí, cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển với quy mô lớn hơn, dưới dạng các tập đoàn kinh tế tư nhân” – TS Lưu Bích Hồ nói.
“Tất nhiên, việc có hình thành và phát triển hiệu quả các tập đoàn kinh tế tư nhân hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều tiết, vận động của doanh nghiệp và thị trường chứ không phải trên cơ sở ý chí chủ quan của Nhà nước” – TS Hồ cho biết.
TS Lưu Bích Hồ cho rằng sản xuất gia công cần tạo ra nhiều giá trị hơn. (Ảnh: B.T)
Liên quan tới sự phát triển hiệu quả của kinh tế tư nhân, TS Hồ cũng cảnh báo, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần chú trọng tới vấn đề thương hiệu, nếu sản phẩm nào đã có thương hiệu thì phải củng cố, phát triển hiệu quả hơn, nếu sản phẩm nào chưa có thương hiệu thì phải xây dựng, hình thành, để các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với thương hiệu “made in Việt Nam” lan tỏa ra cả khu vực và thế giới. “Đó là con đường tất yếu để phát triển và nâng cao giá trị cạnh tranh” – TS Hồ khẳng định.
“Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt cách làm truyền thống, phải tận dụng khoa học công nghệ, trí tuệ cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân, tránh những thiên vị ưu ái giữa khối công – tư để khu vực tư nhân thực sự khẳng định mình và cất cánh, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.”- TS Hồ chia sẻ.
TS Hồ lý giải, thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt nói chung, nhất là các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, sức cạnh tranh yếu mà còn thiếu cả thị trường. Thị trường trong nước cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của doanh nghiệp ngoại. Do đó, việc “Việt Nam phải gia công cho thế giới là không tránh khỏi. Tuy nhiên, gia công này cần tạo ra nhiều giá trị hơn, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc là gia công theo hướng ngày càng chất lượng hơn, giá cả phải tốt hơn, cạnh tranh hơn, đòi hỏi dệt may, da giày phải cao cấp hơn lên thì mới giải quyết được” – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nói.
TS Hồ cho rằng, với việc ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã thực sự có thay đổi sâu sắc, toàn diện về nhận thức và hành động, từ đó có những chỉ đạo, định hướng phát triển hiệu quả, nhất là trong chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan ban ngành và địa phương tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả, trong đó, cần nhất là tạo sức kết nối và công bằng cho kinh tế tư nhân. “Bởi đại đa số doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng này không đủ sức tự mình thì phải kết nối để trở thành vững mạnh, hiệu quả hơn”. – TS Hồ nêu rõ.
TS Hồ cũng nhấn mạnh: Chưa cần nói đến ưu tiên, ưu đãi gì, không cần có bất kỳ chính sách đặc biệt gì, chỉ cần nhất là sự công bằng… Nói công bằng rồi nhưng thực tế, các cơ quan chức năng, bộ máy nhà nước vẫn xử lý chưa công bằng. Đơn cử như thủ tục còn nhiều, phiền hà còn nhiều, chi phí vẫn cao thì công bằng khó mà có được.
Cả nước từ hơn 12.000 DN 100% vốn Nhà nước, đến năm 2001 đã giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đến thời điểm tháng 10/2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu nền kinh tế, tăng thu Ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng. (Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam –VCCI). |
Lê Anh (ghi)