Đảm bảo quyền con người – "điểm nhấn" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam 

(ĐCSVN) – Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo quyền con người, nhất là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân theo Hiến pháp năm 2013.

Những thành tựu bước đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo

Tấm gương của cụ Đỗ Thị Mơ ở Thường Xuân, Thanh Hóa 2 năm liền đạp xe lên xã xin thoát nghèo đã nhận được sự quan tâm và nể phục của nhiều người. (Ảnh:vtv.vn)

Cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm (chỉ tiêu: giảm 1-1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm (chỉ tiêu: giảm 3-4%/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,4%/năm (chỉ tiêu: giảm 4%/năm).

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng; trong đó gồm nguồn vốn trung ương (chiếm khoảng 35%), vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương (chiếm khoảng 41%), vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (chiếm khoảng 24%).

Chương trình, cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, có chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Kết quả là trong 5 năm qua, thu nhập của người nghèo tăng hơn 2 lần; hơn 13 nghìn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài...

Cho đến nay, chúng ta đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện; huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội. Nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, điển hình như cụ Đỗ Thị Mơ (85 tuổi) ở Thanh Hóa... Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đang lan tỏa tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều đó cho thấy hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ý thức “vượt khó” của người dân, không còn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước.

Quyền con người được bảo đảm theo chuẩn nghèo mới

 Đoàn viên, thanh niên quận Ba Đình, TP Hà Nội tặng quà cho người nghèo, người neo đơn, người yếu thế trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020 nhằm mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn thông qua các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn; đồng thời bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo. Đây là chỉ số phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân; chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian. Bên cạnh đó, các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người nghèo được nhà nước quan tâm, bù đắp bởi hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hiện hành ngày được cải thiện và nâng cao để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, Việt Nam phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (từ năm 1998) tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và người nghèo. Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, những nhiệm vụ trước mắt nhằm triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 vẫn còn nhiều thách thức. Trước mắt là tiếp tục giải quyết các vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện xong. Tiếp đến là giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%. Do vậy, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để tập trung giải quyết.

Bên cạnh đó, những yếu tố rào cản khác như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động … cũng đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5% hằng năm” và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra nhiệm vụ: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo”. Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới trong cách thức giảm nghèo, bảo đảm người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả tăng trưởng trong điều kiện mới.

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Giảm nghèo là vấn đề kinh tế - xã hội lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Ý chí, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo không chỉ thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mà còn là trách nhiệm nhân văn của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế./.

 
Thu Lan
190 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 559
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 559
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78124617