Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề chủ động nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Những ngày gần đây, một số nơi giá lợn có dấu hiệu tăng. Xin Bộ trưởng cho biết về nguyên nhân của thực trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng tôi đánh giá con số sụt giảm trên 320 nghìn tấn (chiếm trên 8%) do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn tăng.

Chúng ta biết Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khổng lồ về thịt lợn, tuy nhiên, Trung Quốc đang chịu tác động và thiệt hại lớn của dịch tả lợn châu Phi, do đó, rất mất cân đối về cung và cầu nghiêm trọng. Bên nước bạn, hiện nay có những vùng giá rất cao, tới 150 nghìn đồng/kg lợn hơi. Đây cũng là một yếu tố tác động.

Một điểm nữa là hiện nay qua kiểm tra cho thấy, từ tình hình thị trường tác động từ bên ngoài, một số đơn vị, một số hộ gia đình nuôi lợn hiện nay giữ đàn lợn để tăng trọng lượng cao hơn. Bình thường chúng ta có chu kỳ nuôi từ 3-3,5 tháng, vào khoảng xung quanh 90-100kg sẽ bán. Giờ có một số người nuôi có tâm lý găm hàng lợn và nuôi to hơn. Đặc biệt, có những nơi hiện nay nuôi đạt từ 150-180kg mới bán. Rõ ràng, điều này cũng tạo ra việc một nguồn cung đang thiếu giả ở thời điểm này.

Những nguyên nhân đó làm cho tâm lý chung thị trường của chúng ta những ngày vừa qua là giá thịt lợn lên, dù thực tiễn không phải thiếu đến mức độ như vậy.

PV: Khoảng hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng, trong đó có thịt lợn cũng rất cao, vậy Bộ có phương án như thế nào để chủ động nguồn cung thịt lợn?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết từ nay cho đến không chỉ cuối năm mà đến đầu năm 2020 tới thì quý IV cuối năm và quý I năm sau bao giờ cũng là thời điểm mà tiêu thụ thực phẩm trong năm cao nhất.

Chính vì thế, nguồn cung của chúng ta dự báo thiếu khoảng 8,2%. Về lý thuyết, chúng ta phải tập trung các nhóm giải pháp chung tổng thể.

Một là, chúng ta đã có chủ trương ngay từ đầu năm, tăng đàn gia cầm. Đến giờ phút này, đàn gia cầm đã tăng tới 12%. Đây là một khối lượng lớn, vì tổng đàn gia cầm chúng ta đạt hơn 1 triệu tấn sản lượng. Hai là, đẩy nhanh hơn các nhóm thực phẩm khác, ví dụ như đại gia súc, đến giờ đã tăng 4,2%. Ba là,  thủy sản, năm nay được mùa về khai thác và nuôi trồng, tổng sản lượng 8 triệu tấn.

Cùng với đó, tất nhiên phải tính đến thịt lợn. Một giải pháp là sẽ tăng đàn ở những nơi đảm bảo an toàn, cụ thể ở những nơi chăn nuôi lớn và những nơi quy mô nhỏ, vừa nhưng đảm bảo an toàn sinh học.

Chúng ta sẽ tập trung tăng đàn khu vực này, góp phần với tổng thể về thủy sản, gia cầm, đại gia súc để đủ sức cung ứng thực phẩm một phần; đồng thời để giữ bình ổn giá, không bị xáo trộn. Một giải pháp nữa, chúng tôi đánh giá quan trọng là thị trường, trong đó, tuyên truyền khách quan, đúng tình hình diễn biến nguồn cung, cầu.

Mặt khác, tăng cường kiểm soát để ngăn không cho những sản phẩm bên ngoài vào vì còn nguy cơ dịch bệnh; đồng thời, không để thực phẩm đi ra bên ngoài tiểu ngạch vì chúng ta phải đảm bảo một nền kinh tế hội nhập thương mại, lành mạnh.

PV: Như vậy, theo Bộ trưởng, thịt lợn sẽ không thiếu?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thịt lợn về tổng thể sẽ không thiếu. Vì cơ bản, tái đàn chúng ta đang có những cơ hội tốt. Đến giờ phút này, với 109 nghìn đàn giống hạt nhân, chúng ta giữ nguyên được. Đây là cơ sở để chúng ta có thể tăng đàn.

Thứ hai, chúng ta có tất cả các mô hình quy mô công ty, trang trại lớn, hộ đảm bảo an toàn sinh học. Do đó, sẵn đàn giống này, chúng ta nhân lên.

Thứ ba, những thiết chế dịch vụ cho chuỗi phát triển chăn nuôi như: cám công nghiệp, hiện nay chúng ta vẫn đảm bảo 20 triệu tấn, tất cả quy trình hướng dẫn tổng kết về an toàn sinh học,… góp phần để chúng ta có thể tăng đàn một cách phù hợp, an toàn.

Nếu chúng ta tổ chức kiểm soát tốt để đảm bảo 2 mục tiêu: Bù vào 8,2% thiếu hụt so với lý thuyết về thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi; hai là làm tốt công tác thị trường; tin tưởng chúng ta sẽ giữ được ổn định thị trường, đủ sức cung cấp thực phẩm, kể cả cho dịp Tết và dịp ra giêng.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

 

BT (ghi)