|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì buổi họp báo chiều ngày 18/12. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Thông tin được đưa ra tại Họp báo công bố bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiều ngày 18/12.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; đặc biệt đã không phải thực hiện điều hoà, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc năm 2019 ước đạt 239,739 tỷ kWh, tăng trưởng 8,93% so với năm 2018.
Ngày 16/12, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020. Theo đó, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.
Đảm bảo đủ điện trong bối cảnh nhiều khó khăn
“Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ đưa vào vận hành…”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương.
Thêm vào đó, ngay trong tháng 1 và tháng 2/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng sẽ phải vận hành xả khoảng hơn 4 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 của đồng bằng Bắc Bộ. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.
Trong năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện turbine khí vẫn đóng vai trò quan trọng. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.
Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. Trong đó, riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn.
“Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và turbine khí”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên
Trả lời câu hỏi về việc với những khó khăn nêu trên cùng với việc các dự án quan trọng của ngành điện đều đang chậm tiến độ có ảnh hưởng tới việc cung cấp điện giai đoạn 2021-2025 hay không, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thừa nhận: Giai đoạn 2021-2025 sẽ gặp những khó khăn nhất định về điện, trong đó bao gồm cả việc sẽ thiếu điện.
“Thời gian vừa qua rất nhiều dự án BOT điện chậm tiến độ, mới chỉ có 4/19 dự án BOT điện đang vận hành, còn lại đều đang trong giai đoạn đàm phán và thi công. Việc này ảnh hưởng tới cung ứng điện. Bộ Công Thương đã báo cáo lên Chính phủ các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện quan trọng, cấp bách; sử dụng năng lượng hiệu quả; tích cực trao đổi điện năng với các nước trong khu vực, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)…”, Thứ trưởng cho biết.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, tại Quyết định số 3733/QĐ-BCT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, và các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu.
Bộ Công Thương cũng giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện, bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị quản lý lưới điện truyền tải, phân phối phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng thiết bị trên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, khắc phục kịp thời các tồn tại của thiết bị đang vận hành trên lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, trạm biến áp 220 kV Bảo Thắng... để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Đối với công tác quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực.
Ngoài ra, trong điều kiện tình hình hạn hán xuất hiện ở nhiều khu vực từ năm 2019 sang năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước, tập trung vào các giải pháp cơ bản như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hệ thống bơm tưới hiệu quả và các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp tích nước để giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.
Phan Trang