Đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách giảm nghèo 

(ĐCSVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với tất cả hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khi thực hiện hỗ trợ chính sách giảm nghèo.

Nhiều kết quả giảm nghèo bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2016 và kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo, ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Về kết quả thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình, bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình 30a được phân bổ 3.340,1 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động cho 64 huyện nghèo...

Bên cạnh đó, Chương trình 135 được bố trí 3.832,91 tỷ đồng đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng; đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2016, Chương trình đã triển khai xây dựng và nhân rộng 72 loại mô hình cho 36 tỉnh, 6 Khu kinh tế quốc phòng tại Quân khu 1, 2, 3, 4 và tập trung vào hai mô hình: mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, mô hình giảm nghèo liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp và mô hình giảm nghèo gắn với củng cố an ninh quốc phòng...

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngân sách đã bố trí khoảng 9.000 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng trên 14 triệu đối tượng) người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo); bố trí khoảng 1.172 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 1,8 triệu người thuộc hộ cận nghèo. Đồng thời, trong năm 2016, đã thực hiện hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho trên 2,297 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thóat nghèo...

Tuy vậy, theo báo cáo, trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế tác động đến tiến độ thực hiện. Đó là, đến thời điểm đầu 2017, cơ bản các địa phương đã thực hiện xong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2017. Nhưng do tình hình ngân sách khó khăn, nên hiện tại chỉ thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo thu nhập, chưa thực hiện chính sách đối với đối tượng hộ nghèo tiếp cận đa chiều. Theo chuẩn thu nhập thì hộ nghèo tiếp cận đa chiều chính là hộ cận nghèo, nhưng với mức cân đối hỗ trợ như hiện nay thì đối tượng này không được hưởng các chính sách như đối với hộ nghèo. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của người nghèo cũng như cán bộ làm công tác giảm nghèo, tác động đến việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo.

Bên cạnh đó, về công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn lúng túng và chậm so với thời gian quy định của Luật đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Điều này dẫn đến không đảm bảo về thời gian và thủ tục đầu tư hoặc không được duyệt chủ trương đầu tư, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cũng như giải ngân nguồn vốn được giao.

Năng lực cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác giảm nghèo ở cấp xã còn hạn chế, nhất là trong triển khai áp dụng các quy định mới về quản lý và tổ chức thực hiện nguồn vốn đầu tư công...

Tập trung vào 3 nhóm chính sách

Năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1,3% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Về huy động nguồn lực thực hiện chương trình, sẽ thực hiện cân đối phân bổ nguồn lực, huy động nguồn lực từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình khác để giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã  hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn; khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo...

Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với tất cả hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khi thực hiện hỗ trợ chính sách giảm nghèo.

Mặt khác, theo báo cáo, trong năm 2016 đã huy động được 3,0471 tỷ đồng từ đóng góp của cộng đồng trong cuộc vận động “Nhắn tin vì người nghèo”. Do vậy, để có thêm nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn này để thực hiện một số nội dung cụ thể, có tính chất điển hình (mô hình điểm) của Chương trình theo hướng công khai, minh bạch và kết quả thực hiện cụ thể phải được tuyên truyền rộng rãi.../.

Minh Thư

561 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 744
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 744
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87029270