Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động 

(ĐCSVN) - Các chuyên gia cho rằng Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng.

Ngày 24/9, Báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Những cống hiến thầm lặng" mùa 3. Buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cũng như thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, góp thêm tiếng nói góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tham dự buổi Tọa đàm có các khách mời: PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII; Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam; Ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G.

 PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: KT

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo KT&ĐT, Trưởng Ban tổ chức cho biết, thời gian qua Báo KT&ĐT đã có nhiều hoạt động, nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến nhà khoa học chia sẻ, đề xuất giải pháp về các vấn đề an sinh xã hội.

Vừa qua chúng ta chứng kiến thảm họa đau xót cướp đi sinh mệnh của những người xấu số mà nguyên nhân liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, an sinh xã hội. Thực tế Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với vai trò của mình, báo chí cũng cần có thay đổi để đưa ra hướng truyền thông hiệu quả.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 cho biết, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra trong nhiều năm qua.

"Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh, thành có các khu công nghiệp quy mô lớn. Viêc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… dẫn đến hậu quả thảm khốc mà đến hôm nay mỗi khi nhắc lại chúng ta lại thấy nhói lòng. Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở xã hội không đảm bảo an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ" - ông Tạ Việt Anh nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: KT

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là nhu cấu cấp thiết và chính đáng; cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích.

Hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.

Về tính khả thi của quy định phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân ở các KCN, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, chúng ta phải phân định rõ 2 loại hình nhà ở xã hội, đó là nhà ở xã hội được đầu tư để cho các đối tượng quy định trong Luật Nhà ở mua, thuê mua và thuê, trong đó có đối tượng là công nhân có thu nhập thấp. Thứ 2 là nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng chủ yếu trên đất thương mại, dịch vụ tại các khu công nghiệp để cho công nhân thuê mà hiện nay dự kiến bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi.

Ủng hộ việc xây nhà lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G đề xuất thêm xây nhà ở xã hội trong KCN vì hiện nay các KCN đang xây dựng theo mô hình hệ sinh thái trong KCN, bao gồm: khu dịch vụ, các công trình xã hội, công tác quản lý, vận hành giống như một khu đô thị. Có như vậy mới tạo được môi trường sống tốt cho công nhân, mới phát triển được các KCN theo định hướng môi trường an toàn, có môi trường làm việc tốt hơn.

 Nhiều chuyên gia cho rằng đề án 1 triệu căn họ nhà ở cho công nhân hoàn toàn khả thi. Ảnh: KT

Về đề án 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, theo PGS.TS Bùi Thị An đây là đề án khả thi. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần kiến nghị Chính phủ làm rõ lấy nguồn tiền ở đâu, thiếu chỗ nào, Hà Nội được giao bao nhiêu m2, TP Hồ Chí Minh được bao nhiêu m2. Mong rằng Tổng liên đoàn đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, đồng hành với anh chị em công nhân ở để họ có chỗ ở và yên tâm làm việc.

Nói về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, để chương trình này khả thi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị. Khi bắt tay vào thực hiện sẽ tìm ra những vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 09c/NQ-BCH về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất. Năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân. Với xu thế như vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam hi vọng được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất./.

 
Mỹ Anh
110 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 261
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 261
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208942