Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe ý kiến các nhà khoa học về quá trình biên soạn bộ Quốc sử. Ảnh: Đình Nam 


Chiều 17/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với Ban Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”.

Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) được xây dựng nhằm nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, gồm: bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam. Theo đó, mỗi tập được coi là một đề tài khoa học cấp quốc gia. Bộ Lịch sử Việt Nam có trên 250 nhà khoa học cùng đông đảo cộng tác viên trong và ngoài nước tham gia biên soạn.

Theo các nhà khoa học, Đề án đặt ra yêu cầu về chất lượng Bộ Lịch sử Việt Nam mang tầm cỡ quốc gia, có tính kế thừa những bộ sử trước đây; tổng kết và nâng cao toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Trong đó, Đề án tập trung vào các luận giải mới, những đánh giá phù hợp về vấn đề khoa học lịch sử đang đặt ra, đảm bảo không sao chép, không trùng lắp với các tác phẩm đã xuất bản, kể cả của chính tác giả.

Về tư liệu sử dụng và chú thích trong công trình, các nhà khoa học cho rằng cần phải truy đến tư liệu gốc, không dẫn lại qua một tác phẩm khác, bảo đảm là công trình khoa học hoàn toàn mới, khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử, trình bày theo chuẩn mực quốc tế.

Trong quá trình triển khai, Ban Chủ nhiệm Đề án đã tích cực, chủ động phối hợp với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện hoạt động chuyên môn như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, xây dựng thông tin khoa học của Đề án... Theo đó, mỗi thành viên Ban Chủ nhiệm được phân công theo dõi, kiểm tra, đánh giá nội dung chuyên môn của từng đề tài theo yêu cầu chung của Đề án. Đến nay, các đề tài cơ bản hoàn thiện bản thảo chính thức.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia phối hợp Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khoa học Đề án tổ chức đánh giá, hoàn thành nghiệm thu cấp đề án của 30 đề tài (25 đề tài thông sử và 5 đề tài biên niên). Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Đề án tổ chức được 6 hội thảo khoa học bàn về các vấn đề cần trao đổi, thống nhất liên quan đến tập hoặc nhóm các tập.

Qua các hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề án thống nhất yêu cầu, nguyên tắc trong bổ sung, chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện bản thảo trước khi thẩm định, nghiệm thu cấp Nhà nước. Đến nay, 10 đề tài (trong tổng số 30 đề tài) đã gửi bản thảo để Ban Chủ nhiệm Đề án và chuyên gia phản biện của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở, kiểm tra việc sửa chữa, chấp hành Thể lệ biên soạn của các đề tài.

Về nhiệm vụ “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (Quốc chí), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau gần hai năm tổ chức triển khai, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng mạng lưới cơ quan hợp tác và bước đầu tập hợp hàng trăm nhà khoa học tham gia biên soạn Quốc chí.

Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thẩm định 28 tập (tương ứng với các lĩnh vực, nội dung biên soạn); hoàn thiện Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam; triển khai địa phương chí bản mẫu; khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng, triển khai quản lý địa chí…, hiện đã có 15 tập hoàn tất các thủ tục để triển khai biên soạn.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc biên soạn Quốc chí đang được triển khai theo cách tiếp cận mới nhằm thu thập dữ liệu, mô tả hiện trạng các lĩnh vực đời sống theo cách nhìn đương đại. Do đó, ngoài việc sử dụng các nguồn tài liệu sẵn có, quá trình biên soạn Quốc chí tập trung vào việc khảo sát thực tế nhằm kiểm chứng thông tin. Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ghi chép trực tiếp có vai trò quan trọng trong biên soạn Quốc chí. Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn lực con người, kinh phí.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết của các nhà khoa học đã tham gia quá trình biên soạn Quốc sử, Quốc chí. Phó Thủ tướng khẳng định ý nghĩa thiết thực của đề án với xã hội hiện nay và tương lai. Đề án phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể đối với những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn Quốc sử, Quốc chí; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng cao, hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra./.
 
 
Diệp Trương/TTXVN