Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Phong-Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: ĐT
Phóng viên (PV): Tết Nguyên đán đang đến gần, xin ông cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Có thể nói, trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường từ trung ương đến địa phương; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, hình thành một số vùng sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể; một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm có tiến bộ; xuất khẩu nông sản, thực phẩm đã tăng nhanh về kim ngạch và có mặt ở nhiều thị trường uy tín trên thế giới; công tác thông tin, truyền thông, giáo dục phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa cao; đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu; chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm; việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức.
Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết là ở một số nơi chính quyền các cấp quản lý chưa nghiêm, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo ATTP cho người dân vui xuân đón Tết, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế - thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018 trong đó tập trung vào thành lập các đoàn thanh, kiểm tra từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn và tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP cho các nhóm đối tượng nhằm góp phần thay đổi hành vi.
PV: Thưa ông, khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán là gì? Ngành Y tế có những giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung và trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi cho rằng, khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán đó chính là nhân lực về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm còn thiếu. Cùng với đó là tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng...vẫn diễn biến phức tạp. Và nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, tình trạng cố tình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, buôn lậu, làm hàng giả là thực phẩm vẫn phức tạp, cần có sự vào cuộc của các lực lượng có chức năng điều tra như Công an, Hải quan... tăng cường kiểm soát thực phẩm thẩm lậu qua biên giới.
Và cuối cùng là nguồn kinh phí dành cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thiếu và chậm nên không đáp ứng được yêu cầu dẫn đến khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung và trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng, ngành Y tế đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu về hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tù, thể hiện cụ thể tại Điều 317 của Luật này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội ngày 18/1/2018. Ảnh: Phùng Hà
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, các sản phẩm thực phẩm phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất như: rượu bia, bánh mứt kẹo, thịt và sản phẩm từ thịt, rau của quả... Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng.
Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm xây dựng Kế hoạch, ban hành Chỉ thị và có công văn chỉ đạo địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung các vào cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt...mặt hàng và kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới. Tiếp tục triển khai các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Năm 2018 Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm xây dựng các Kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo địa phương thực hiện. Để triển khai Kế hoạch Tết Mậu Tuất, tại Trung ương thành lập 6 Đoàn kiểm tra ATTP tại 12 tỉnh/thành phố và Bộ Y tế có các công văn chỉ đạo địa phương triển khai thực hiện.
Căn cứ vào Kế hoạch của Trung ương, tại địa phương xây dưng Kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành tại địa phương có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và huy động nguồn lực, mọi hình thức, truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội xuân 2018…
PV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 trong đó có quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Vậy, theo ông, chúng ta cần làm gì để những quy định mới này đi vào cuộc sống và đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Theo tôi, để Luật đi vào cuộc sống và đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm thì chúng ta phải tuyên truyền chính sách của pháp luật, tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm (Điều 317).
Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của địa phương, Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các văn bản và chính sách pháp luật. Ngày 09 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 13/CT-TTg, trong Chỉ thị này Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt về việc thanh tra kiểm tra đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Khoản 4, Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định cụ thể về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
|
Đỗ Thoa