Sáng 11/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm bàn giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ và bão số 6 đã hình thành sáng nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: BT) |
Thông tin tại cuộc họp nêu rõ, từ 19h ngày 9/10 đến 4h ngày 11/10, các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 60 - 80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Trà Giáp (Quảng Nam) 195mm; Thủy điện sông Tranh 2 195mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 175 mm; Sơn Lỳ (Quảng Ngãi) 113 mm,…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, hiện có tổng cộng 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m. Cụ thể: Hà Tĩnh 1 xã; Quảng Nam 16 xã; Quảng Bình 38 xã; Quảng Trị 81 xã; Thừa Thiên - Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 16 xã/phường.
Ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 9 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương. Về nhà ở, 33.387 nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Về giao thông, trên các tuyến Quốc lộ: 93 điểm bị sạt lở; Quốc lộ 1A trên địa phận Thừa Thiên-Huế (huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà) 5 điểm ngập sâu 0,2 - 0,6m dài khoảng 2km bị ngập sâu. Đường sắt Bắc Nam: đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập. Đường tỉnh lộ bị sạt lở: 2.200m.
Đặc biệt, về tình hình tàu thuyền, một số tàu bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Trong đó, tàu Vietship 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, Quảng Trị, trên tàu có 5 người, 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu, 2 người mất tích.
Tàu Vietship 01 mắc cạn đã cứu được 4 người, hiện còn 9 người bị mắc kẹt trên tàu. Tàu Vietship 09 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.
Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt, Quảng Trị, hiện 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn. Tàu Công Thành 27 bị chìm, 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn. Tàu Hoàng Tuấn 26 bị mắc cạn, gồm 12 thuyền viên, hiện vẫn giữ được liên lạc. Tàu Thanh Thành Đạt 68/15 thuyền viên bị hỏng máy, hiện thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km, hiện vẫn giữ liên lạc.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với việc neo đậu tàu thuyền ở cửa sông và đối với tàu vãng lai. Bởi đây không phải là lần đầu xảy ra việc sự cố tàu khi tàu đã neo đậu. Vấn đề này đã được cảnh báo nhiều nhưng vẫn tiếp tục xảy ra.
Trên cơ sở đó, ông Hoài đề nghị, trước tình hình diễn biến của cơn bão sắp tới (bão số 6), cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vãng lai, đảm bảo an toàn tàu thuyền ở khu vực neo đậu. Đồng thời, đề nghị cần tăng cường thêm tuyến thông tin không chỉ về diễn biến, tình hình mưa lũ đang diễn ra mà còn về các bài học kinh nghiệm để góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đại diện của lực lượng Cứu hộ, cứu nạn cho biết, tính đến 6h sáng nay, đối với tàu Vietship 01, hiện vẫn còn 9 người đang mắc kẹt trên tàu, cách bờ khoảng 400m. Đã có nhiều phương án được đưa ra và hiện nay ban chỉ đạo đang tính đến phương án huy động lực lượng đặc công, theo dây dùng ròng rọc đưa người dân vào bờ. Trong ngày hôm qua, đã đưa tàu ra để ứng cứu nhưng bị chìm.
Để ứng phó với bão số 6, đại diện của lực lượng Cứu hộ, cứu nạn cho biết, hiện nay, tuy mực nước ở các hồ vẫn còn dung tích cắt lũ nhưng nếu xả lũ sẽ liên quan đến rất nhiều khu vực, vì vậy, đề nghị cần có quy trình để thông báo khi xả lũ. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo các địa phương, phối hợp kiểm tra chặt chẽ các khu vực xung yếu khi mưa trong dài ngày. Cần rà soát lực lượng, nhất là phương án sơ tán dân, sẵn sàng phương án cứu trợ bằng hàng không.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm theo Công điện 1372/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với miền Trung, với dự báo hoàn lưu mưa của bão số 6, cần tập trung ứng phó ngay, đồng thời, không để bất kỳ người dân nào thiếu cơm ăn áo mặc, đói rét. Với các vùng ngập sâu, cần có tính toán để cho học sinh nghỉ học.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý đến việc điều hành liên hồ chứa. Cần có sự phối hợp, điều hành nhuần nhuyễn ở khu vực này. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát các hồ chứa nhỏ của địa phương, đây là điểm cần chú ý do dễ xảy ra sự cố.
Đối với ngành giao thông, Bộ trưởng nhấn mạnh ở vấn đề đường biển, trong đó, trước những đợt thiên tai xảy ra, cần quán triệt ở tất cả các cơ quan quản lý, các chủ phương tiện, chủ quản lý phương tiện, tất cả phương tiện vãng lai để đảm bảo an toàn tàu thuyền.
Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng cứu hộ cứu nạn, từ tình hình thực tiễn nếu cần thiết cần có các phương tiện cứu hộ cứu nạn, đến vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực mới để thích ứng,…cần có đề xuất để cùng kiến nghị.
Với trồng trọt, cần tăng cường hướng dẫn nông dân xử lý các vấn đề về thoát úng, đặc biệt là đối với cây ăn quả. Đối với chăn nuôi, cần tổ chức phòng chống dịch bệnh tốt để giảm nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị cần chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ gạo cho người dân, huy động Hội Chữ thập đỏ cùng vào cuộc để đảm bảo công bằng cho các các hộ dân.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin về công tác dự báo, cảnh báo,…đến với các cấp chính quyền, người dân để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hồi 1h00 sáng 11/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 năm 2020 và có tên quốc tế là LINFA.
Hồi 04 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 240km, cách Quảng Ngãi khoảng 180km, cách Bình Định khoảng 170km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ ngày 11/10 đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.
|