Nhằm xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em phát huy hết tiềm năng của mình và huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội chung tay hành động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn năm 2019 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tập trung vào các nội dung chính: an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (phòng chống bạo lực gia đình; xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em); an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trên môi trường mạng và an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách” diễn ra gần đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên, thực tế đang đặt ra những vấn đề nhức nhối.
Sinh viên Hà Nội tham gia sự kiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Ảnh: Cẩm Linh
Dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ nhưng vẫn là chưa đủ so với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em xảy ra hiện nay. Những vụ việc như "võ sư tung cước đánh vợ" ở Long Biên, Hà Nội; chồng đánh vợ, dìm xuống hồ bơi trước mặt con nhỏ ở Tây Ninh khi được hỏi nạn nhân không nhớ nổi số lần bị bạo hành hay cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh “nựng” bé gái trong thang máy tại TP Hồ Chí Minh… diễn ra trong thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ nhưng ít ai biết rằng, trung bình mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; 4,6 trẻ bị xâm hại tình dục (trước đó chỉ là 3). Năm 2018, vẫn có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và 1.356 trẻ em bị xâm hại được phát hiện.
Đó là tình trạng mất an toàn thực phẩm; sức khỏe sinh sản vị thành niên, mang thai ở tuổi vị thành niên; bạo lực học đường, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tai nạn giao thông... mà biết bao phụ nữ, trẻ em là nạn nhân, luôn đe dọa sự an toàn của phụ nữ và trẻ em từng ngày, từng giờ.
Và sau mỗi vụ việc ấy là những hậu quả nặng nề không thể đo đếm, không biết đến bao giờ mới được xoa dịu với mỗi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, sau nữa là gia đình, cộng đồng xã hội.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) nhận định: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có điểm sáng về bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và quyền tham chính của phụ nữ. Liên hợp quốc cũng đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và được xếp vào nhóm nước có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Nếu như ở hơn 100 quốc gia khác trên thế giới, pháp luật công khai loại phụ nữ ra khỏi một số công việc vì lí do giới tính và tại 18 quốc gia, phụ nữ phải có sự chấp thuận của chồng mới có thể đi làm thì tính đến năm 2019, lao động nữ trong độ tuổi lao động ở nước ta đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% tổng số lao động trong độ tuổi của cả nước. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ở nước ta đạt trên 31,6%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng từ 3% ở Quốc hội khóa I lên 26,72% ở khóa XIV...
Năm 2019 là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” cũng sẽ là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Vì vậy, cùng với việc phụ nữ và trẻ em tự biết cách bảo vệ mình thì mỗi chúng ta hãy trang bị kiến thức, kỹ năng để có những hành động cụ thể, thiết thực để an toàn cho phụ nữ, trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, là sự phát triển bền vững của đất nước./.
Cẩm Linh