Đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu 

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Sau dịch bệnh bao giờ cũng có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ, vì vậy, cần chuẩn bị để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường”.

 

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

 

Dịch chồng dịch

Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD; các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD; các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp cần có những hướng sản xuất bám sát thị trường rất thận trọng.

Chiều 12/3, Bộ NN&PTNT tổ chức  Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), sự bùng phát của dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có “hạ nhiệt” nhưng còn phức tạp. Gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế trên diện rộng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung, thương mại nông sản nói riêng.

Ở trong nước, ngành nông nghiệp bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra dịch tả lợn Châu phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn.

“Đáng chú ý, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Cùng với đó, “thẻ vàng” xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra chưa được gỡ bỏ. Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Việt cho rằng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài cũng là giải pháp quan trọng được thúc đẩy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Dịch bệnh COVID-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra 2 vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nên kinh tế thế giới. Dịch bệnh này tác động đến hầu hết các quốc gia.

Hiện nay, ngoài đối mặt với dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp còn hứng chịu cả tính cực đoan của thời tiết như mưa đá trên diện rộng, hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm A/H5N1...

 

Vải thiều Bắc Giang chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm nay - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Cơ hội từ các thị trường mới

Trong bối cảnh các thị trường truyền thống của nông sản Việt như Trung Quốc, EU đang vô cùng căng thẳng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, việc đi tìm thị trường mới, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng ở ngay thị trường nội địa là một hướng đi cần thiết.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, nếu dịch bệnh COVID-19 không lắng xuống chắc chắn việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

“Trước tình hình này, chúng tôi quan tâm đến công tác rải vụ để vải Bắc Giang được tiêu thụ trong khoảng 2 tháng. Theo đó, trà chín sớm đạt 6.000 ha, chiếm 21% diện tích, tỷ lệ ra hoa đạt 90 – 95%, sản lượng khoảng 40.000 tấn, dự kiến cho thu hoạch từ 20/5-15/6; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa thấp hơn nhưng sản lượng vẫn đạt khoảng 120.000 tấn, thu hoạch từ 15/6-20/7. Ngoài ra, Bắc Giang cũng tìm kiếm những thị trường mới như Nhật Bản, thúc đẩy tiêu thụ trong nước”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, để việc tiêu thụ vải thiều hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình an toàn; chỉ đạo ngành công thương xúc tiến tiêu thụ trong nước, mở rộng kênh phân phối ở thị trường miền Trung, miền Nam để đề phòng trường hợp dịch bệnh COVID-19 có thể làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.

“Có một tin vui là năm nay, vải thiều Bắc Giang sẽ chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện, tỉnh đã và đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng mã số vùng trồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc theo quy trình đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản; mời gọi các doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu” – ông Tùng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Trần Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận một thực tế, việc xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

“Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 15.000 tấn dưa hấu gặp khó khăn trong tiêu thụ; cuối tháng 3, chúng tôi thu hoạch khoảng 48.000 tấn ớt, mặt hàng này trước chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay chắc chắn việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn”, ông Châu nói.

Ngoài ra, theo ông Châu, dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều nước EU cũng khiến xuất khẩu cá ngừ đại dương, tôm, đồ gỗ của tỉnh gặp khó khăn. “Sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh khoảng 2.600 tấn, khi dịch chưa bùng phát mạnh, việc xuất khẩu sang châu Âu chưa gặp vấn đề gì lớn nhưng hiện còn tồn 600 tấn; tôm đã sơ chế 150 tấn nhưng chưa xuất khẩu được, sắp tới lại thu hoạch thêm 10.000 tấn vào cuối tháng 3, dự báo sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Gỗ, thủy sản là hai mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh với 500 triệu USD và 300 triệu USD nhưng rõ ràng dịch bệnh COVID -19 đã có những tác động không nhỏ” – ông Châu cho biết thêm.

Từ thực tế đó, ông Châu kiến nghị, Bộ NN&PTNT đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được chậm trả lãi ngân hàng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành nông nghiệp xác định rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi; chú trọng yếu tố thị trường, để làm sao người dân bị cách ly cũng vẫn phải có đủ lương thực thực phẩm. “Sau dịch bệnh bao giờ cũng có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ cần chuẩn bị để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Đỗ Hương

287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022806