Thời gian thực hiện dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại huyện Đakrông từ năm 2021 – 2025, được phân bổ trên 54,6 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ đất ở 347 hộ, mức vốn gần 14 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở 571 hộ, mức vốn gần 23 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất 121 hộ, vốn trên 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt gồm 7 công trình với mức vốn trên 15 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Đakrông, cho đến thời điểm hiện tại, các chương trình như hỗ trợ về nhà ở, xây các công trình nước sinh hoạt đạt được mục tiêu đề ra. Riêng hai chương trình như hỗ trợ đất ở chỉ mới thực hiện được 65 hộ, và dự kiến thực hiện thêm khoảng 61 hộ, với tổng mức kinh phí chỉ đạt trên 5 tỷ đồng, bằng khoảng 36% kế hoạch; đặc biệt chương trình hỗ trợ đất sản xuất chưa thực hiện được.
Nguyên nhân hai chương trình nói trên gặp khó là do hiện tại địa bàn Đakrông không còn quỹ đất trống để thực hiện san tạo mặt bằng hoặc khai hoang, phục hóa để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân thụ hưởng chính sách. Thời gian qua, hình thức huyện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân chủ yếu là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện hình thức thực nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại nảy sinh ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trước đây người dân sống ổn định, một số hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nay đối chiếu trên bản đồ lại thuộc đất rừng của các khu bảo tồn hoặc đất rừng phòng hộ. Người đồng ý chuyển nhượng đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đang thế chấp ở các ngân hàng nên không thể thực hiện thủ tục giao dịch mua bán quyền sử dụng đất đối với hộ hưởng lợi. Một số trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai lệch thông tin về tên, tuổi, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước thông tin cần thực hiện thủ tục đính chính, chỉnh lý mất nhiều thời gian. Người sử dụng đất có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất nhưng chưa thực hiện thủ tục thừa kế nên không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng cho đối tượng thụ hưởng; Vấn đề sai lệch hiện trạng giữa thực địa và bản đồ địa chính. Hộ gia đình sinh sống ổn định từ lâu, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên khi đối chiếu trên bản đồ lại thể hiện hộ này đang dựng nhà ở trên đất của hộ khác.
Đối với các hộ đã có đất nông nghiệp khác phù hợp với quy hoạch cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở phải mất nhiều thời gian nên dẫn đến việc hỗ trợ chính sách bị chậm trễ.
Một số diện tích, có khi cả cụm dân cư có đất đã được người dân sử dụng, dựng nhà trên đất từ thời gian dài, nhiều năm trước, tuy nhiên, quá trình rà soát, kiểm tra thì xác định đất thuộc diện tích rừng phòng hộ nên không đủ điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Một số trường hợp không có lối đi nhưng chưa thỏa thuận được lối đi chung hoặc không đảm bảo diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định.
Bên cạnh đó, Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND ngày 20/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị đã góp phần tháo gỡ 1 số điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đất của Dự án 1. Tuy nhiên các bước quy trình thực hiện thủ tục hành chính về đất mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều cơ quan và phải có sự tham gia của các hộ gia đình liên quan nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, từ ngày 01/8/2024, Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành chưa hoàn thiện; do đó quá trình triển khai thực hiện chính sách trong năm 2024 dự kiến kéo dài hơn so với kế hoạch…
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho hay: Trước thực trạng khó khăn nói trên, UBND huyện đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị điều chỉnh vốn dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, bằng việc chuyển 11,562 tỷ vốn còn lại của hai chương trình sang hỗ trợ nhà ở và đầu tư các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho đối tượng hưởng lợi trên địa bàn.
https://baoxaydung.com.vn/dakrong-quang-tri-kho-khan-trong-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-dat-o-va-dat-san-xuat-386552.html