Đakrông nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới 

Biên phòng - Là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Trị, Đakrông đang từng ngày đổi thay tích cực, nhờ mạnh dạn lồng ghép và đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, quan tâm đến lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường… Với tất cả những nỗ lực đó, chính quyền và nhân dân huyện Đakrông mới có thể quyết tâm đưa các xã đạt 8 tiêu chí trở lên trong xây dựng nông thôn mới.

lbfe_14

Người dân xã Triệu Nguyên chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Lệ Thanh

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Đakrông, huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc, số lượng các tiêu chí đạt được nâng dần, cơ sở vật chất, hạ tầng đã từng bước hoàn thiện. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng trở lên. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao. 

Điển hình như xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông), đến nay đã đạt 37/49 chỉ tiêu trên 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể như hiến đất, hiến cây, ngày công. Cụ thể, trong năm 2018, người dân tham gia 2.400 ngày công để thực hiện ngày nông thôn mới, hiến 1.376m2 đất làm đường giao thông. 

Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Trần Văn Việt cũng cho biết, hiện, xã Ba Lòng (huyện Đakrông) đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới; một số tiêu chí đạt khá cao như quy hoạch và phát triển theo quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, thông tin và truyền thông, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế và văn hóa. 

Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ cho biết: “Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, huyện tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ các đoàn viên, hội viên tích cực đi đầu trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đặc biệt, trong triển khai dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất, hiến cây và đóng góp công lao động để xây dựng nông thôn mới đang lan rộng khắp thôn, bản của huyện... Cùng với đó, huyện cũng đã huy động hơn 20.200 ngày công để tu sửa, vệ sinh các tuyến đường giao thông, nhất là sau các đợt mưa lũ, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi... tạo không khí thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới”.

Nỗ lực không ngừng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay, Đakrông vẫn chưa có xã nào đạt đủ tiêu chí xây dựng. Trong đó, các tiêu chí các xã đạt được như điện, đường giao thông, chợ, nhà văn hóa... đều có sự hỗ trợ và giúp sức của chính quyền các cấp. Còn những tiêu chí cần sự bứt phá của địa phương như giảm tỷ lệ hộ nghèo hay nâng cao thu nhập bình quân đầu người đang là một thách thức lớn đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Lý giải nguyên nhân Đakrông là huyện duy nhất trong tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ cho biết thêm, do điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp; đất đai để tạo mặt bằng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng còn khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trong khi thu nhập của người dân còn thấp; một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với khu vực miền núi như nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa...

Để khắc phục, thời gian tới, Đakrông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nhân dân để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sâu rộng. Tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư...

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc thực thi quy chế dân chủ, giám sát cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”; khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, đầu tư phát triển.

Diệp Anh

360 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 535
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 535
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78073452