Ông Lê Đắc Qùy, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết thời gian qua tình hình SX vụ ĐX 2017-2018 trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, điều hành tích cực của cấp ủy, UBND các cấp trong việc tuyên truyền và thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu khắc phục khó khăn, ổn định đời sống nên SXNN đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng diện tích gieo trồng, sản lượng cây lương thực có hạt, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đều tăng. Văn hóa xã hội ngày càng được cải thiện, chất lượng giáo dục được giữ vững. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
|
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ |
Cụ thể toàn huyện đã gieo trồng được gần 4.300ha, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lúa nước được 557 ha, ngô 1.1160 ha, sắn 1.689 ha, khoai lang 79ha… Phối hợp Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học Viện Nông nghiệp, Sở NN- PTNT kiểm tra đánh giá và đề xuất các giải pháp kỹ thuật để phòng trừ bệnh thối nõn gây hại trên cây dứa tại mô hình dứa Queen xã Hải Phúc. Phối hợp với nhà máy chế biến nông sản Đông Hà để triển khai liên kết tiêu thụ ngô cho người dân.
Tổng đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đàn trâu 6.700 con, bò 6.500 con, heo 8.200 con; dê 6.800 con, gia cầm hơn 70 ngàn con.Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng gần 500 tấn, tăng 20,6% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó công tác phòng đói chống rét, quản lý dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo, đã theo dõi và phát hiện kịp thời để xử lý dịch, không để lan ra diện rộng.
Toàn huyện có 38 đơn vị trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý với 611 nhóm, lớp và 11.525 học sinh từ cấp học mầm non đến cấp THCS. Nhờ lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, xã hội nên trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn huyện có giảm.
Để phát triển kinh tế bền vững, huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác trồng bổ sung, trồng dặm, chăm sóc bảo vệ hơn 1.100 ha rừng, trồng tập trung và 57 vạn cây phân tán, phối hợp với xã Mò Ó tiếp nhận và cung cấp 100 ngàn cây giống keo lai do tổ chức từ thiện hỗ trợ người dân trồng rừng. Ngoài ra còn hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai lập hồ sơ đăng ký trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và tổ chức triển khai khảo sát hiện trường, thiết kế trồng rừng theo quy định. Tiến hành rà soát giao rừng tự nhiên năm 2018 trên địa bàn cho các hộ dân quản lý chăm sóc.
Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết huyện đang tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các tháng cuối năm 2018. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng vụ Hè Thu, tận dụng thời tiết thuận lợi, đất đủ độ ẩm để xuống vụ gieo trồng các loại cây trồng theo khung lịch thời vụ đã ban hành... Hoàn thành thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô vụ Hè Thu 2018 và các vụ sau. Thực hiện tiêm phòng và công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm, phát hiện sớm và dập dịch kịp thời. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, mạng lưới thú y cơ sở. Tu sửa, nạo vét, bảo dưỡng và đóng mở các cửa van của các công trình thủy lợi hợp lý đảm bảo an toàn các hồ đập khi mùa mưa lũ đến. Đôn đốc các xã, thị trấn triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung xây dựng NTM đối với 11 xã còn lại. Tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu đến cuối năm 2018, các xã trong toàn huyện đạt 124/247 tiêu chí, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn 9,5 tiêu chí/xã.
|
Người dân huyện Đakrông trồng rừng kinh tế cho hiệu quả cao |
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiều lần về kiểm tra cơ sở đã đánh giá cao những kết quả huyện Đakrông đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những cố gắng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống người dân. Ông Đồng đã chia sẻ trước những khó khăn của huyện nông nghiệp miền núi và chỉ rõ để phát triển bền vững huyện cần chọn lựa nhân rộng những mô hình nông nghiệp đã đạt hiệu quả cao. Đồng thời cần có chiến lược xây dựng và phát triển chuỗi hàng hóa nông sản, đặc sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu ở địa phương. Cần tập trung nguồn lực để xây dựng NTM và các công trình trọng điểm, tổ chức mô tốt hình hợp tác xã hiện đại để quản lý, sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất giúp người dân có hướng phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Tăng cường đầu tư cho giáo dục, cố gắng hơn nữa nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân.
LÂM KHÁNH