Theo đó, giai đoạn 2011-2020, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nên công tác PCGD, XMC ở huyện Đakrông được duy trì và từng bước nâng lên.
Tính đến cuối năm học 2019 - 2020, huyện Đakrông đã huy động 1.096/1.096 trẻ em 5 tuổi đến lớp, đạt 100%. Số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 1.066 trẻ, đạt 99,72%. Số trẻ khuyết tật 5 tuổi có khả năng học tập được huy động đến lớp 06/06 trẻ, đạt 100%. Toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ở bậc tiểu học, 100% trẻ 6 tuổi được huy động vào lớp 1, học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 92,17%. Toàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Về phổ cập giáo dục THCS, số thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 85,3%. Hiện nay, toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1. Đối với công tác XMC, huyện đạt chuẩn phổ cập XMC mức độ 1, trong đó, số người từ 15-35 tuổi biết chữ mức độ 1, đạt 97,7% số người; số người từ 15 – 60 tuổi biết chữ mức độ 2, đạt tỉ lệ 90,1%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác PCDG, XMC trên địa bàn huyện đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: tình trạng học sinh nghĩ học dài ngày và bỏ học vẫn còn diễn ra; tỉ lệ học sinh học lên THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề vẫn còn thấp; hoạt động hướng nghiệp cho học sinh còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng PCGD, XMC trong thời gian tới, huyện Đakrông cần tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác PCGD, XMC. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện mạng lưới trường học các cấp trên địa bàn huyện; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đảm bảo yêu cầu công tác giáo dục trong tình hình mới./. Lê Yên.