ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CHIẾN DỊCH TRỊ THIÊN - HUẾ  

Đầu năm 1975, từ một hướng phối hợp quan trọng, quân và dân Trị - Thiên đã chủ động vận dụng triệt để yếu tố thời cơ tiến công địch, giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta. Thắng lợi đó là sự chung sức đồng lòng của toàn quân, toàn dân Trị -Thiên, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Người đã có những dự đoán nhạy bén và chỉ đạo sáng suốt, kịp thời trong cả quá trình chiến dịch diễn ra và thắng lợi.

Trong 2 năm (1973, 1974) quân và dân ta không những liên tiếp đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, “bình định cấp tốc” của địch, mà còn mở một loạt các chiến dịch tiến công và giành thắng lợi. Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ tình hình mọi mặt, nhất là so sánh lực lượng giữa ta và địch, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên cùng Quân đoàn 2 đã phối hợp, thống nhất xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Trị Thiên - Huế.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, ngay từ tháng 10-1974, Quân uỷ Trung ương đã triệu tập Thường vụ Quân khu uỷ Trị - Thiên ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ chiến đấu năm 1975. Giao nhiệm vụ cho chiến trường Trị - Thiên trong năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Phải đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định" của địch, tạo ra ở Trị - Thiên một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho năm 1976 giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế; phải tiến hành một chiến dịch tổng hợp cả quân sự và chính trị, bằng lực lượng của cả chủ lực của Bộ và của quân khu, phối hợp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, diệt gọn từng trung đoàn, tiểu đoàn của chúng1.

Đầu tháng 2-1975, Quân uỷ Trung ương phê chuẩn kế hoạch tác chiến của Trị - Thiên. Ngày 28-2-1975, đồng chí Thanh Quảng, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên và đồng chí Hoàng Đan, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đoàn II ra Bộ báo cáo quyết tâm cuối cùng. Sau khi nghe báo cáo xong, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định: Kế hoạch cơ bản như thế này là được. Nhưng các đồng chí phải làm ngay một kế hoạch phát triển tiến công khi thời cơ thuận lợi, mà mục tiêu của nó là giải phóng Trị - Thiên - Huế2.

Dù chuẩn bị rất gấp nhưng Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu quyết định Quân khu Trị - Thiên nổ súng ngày 5-3-1975 và chỉ đồng ý cho Quân đoàn 2 thêm hai ngày chuẩn bị để nổ súng sau đó. Ngày 3-3-1975, Đại tướng gọi gấp hai đồng chí Thanh Quảng và Hoàng Đan quay lại gặp mình một lần nữa, ngay trước khi máy bay chở hai đồng chí cất cánh về Đồng Hới, để nhấn mạnh thêm quyết tâm:  “Nhớ rằng chiến dịch này không như các chiến dịch khác. Các đồng chí có thể phát huy sáng kiến đánh thật hay để hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhưng cần chú ý những việc Bộ Tổng tư lệnh đã quy định cụ thể thì tuyệt đối không được linh hoạt, phải chấp hành thật nghiêm. Phải tích cực sảng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế. Tiêu diệt sinh lực địch là rất quan trọng, nhưng làm đường cơ động cũng quan trọng không kém, các đồng chí phải huy động mọi lực lượng mở đường cơ động, vì có đường thì mới phát triển tiến công được thuận lợi khi có thời cơ3.

Ngày 17-3-1975, sau khi nghe báo cáo những diễn biến mới nhất từ mặt trận và ý đồ rút quân ở Tây Nguyên, co cụm chiến lược của địch, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân khu Trị - Thiên và Khu 5 đưa ngay lực lượng xuống đồng bằng với quy mô trung đoàn, phối hợp với lực lượng địa phương và Nhân dân cắt đứt đường số 1, chuẩn bị tiến công Đà Nẵng. Sáng hôm sau, nhận tin báo sư đoàn dù của địch ở Đà Nẵng đang rút về Sài Gòn có hiện tượng địch muốn bỏ từ phía Bắc Huế đến đèo Hải Vân, Đại tướng đã hội ý nhanh với Bộ Tổng tham mưu và chỉ đạo bộ đội lập tức đánh ngay, pháo kích sân bay Phú Bài, cắt đường số 1, kiên quyết không cho địch rút quân co cụm về Đà Nẵng.

Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, Đại tướng đã hủy kế hoạch vào Vĩnh Linh và điện ngay cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2: “Đã có khả năng chuyển sang kế hoạch thời cơ (giải phóng toàn bộ Quảng Trị, Thừa Thiên và TP. Huế), tổ chức thực hiện giải phóng Huế. Tình hình phát triển khá nhanh và thời cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến… Trị - Thiên cần đẩy mạnh tiến công của chủ lực từ phía tây, thực hành chia cắt chiến lược giữa Huế - Đà Nẵng”4, đồng thời Đại tướng chuẩn y kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, ra chỉ thị tổ chức những trận địa pháo tầm xa khống chế đường số 1 từ Trị Thiên trở vào.

Ngay khi địch rút khỏi Quảng Trị và bắt đầu tháo chạy khỏi Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị đã họp nghe tổng hợp các báo cáo chiến trường, phân tích rõ tình thế địch - ta và ra quyết định rất kịp thời: Hạ quyết tâm chuyển cuộc Tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975. Trước mắt, nhanh chóng tiến công tiêu diệt bằng được toàn bộ lực lượng địch trong Vùng 1 chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng, giao nhiệm vụ này cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu thực hiện.

Mọi diễn biến thực tế của chiến dịch Trị - Thiên - Huế đã diễn ra theo đúng như những dự đoán chiến dịch nhạy cảm và tầm nhìn chiến lược bao quát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch tiến công Trị Thiên - Huế (5 đến 26-3-1975) diễn ra hai đợt: Đợt 1 (5 đến 20-3), Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. 3 giờ sáng ngày 18-3-1975, ta giải phóng thị xã Quảng Trị, buộc địch co cụm về Thừa Thiên - Huế. Đợt 2 (21 đến 26-3), ta phát triển tiến công và giải phóng Thừa Thiên - Huế. Sáng ngày 26-3-1975, toàn bộ Thừa Thiên – Huế hoàn toàn được giải phóng5.

Dưới sự chỉ đạo chỉ huy sáng suốt kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân dân Trị  Thiên - Huế và Quân đoàn 2 đã nắm vững thời cơ chiến lược lãnh đạo chiến dịch, sau 21 ngày đêm chiến đấu chiến dịch kết thúc thắng lợi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những dự đoán nhạy bén và chỉ đạo sáng suốt, kịp thời  và kiên quyết trong cả quá trình chiến dịch Trị Thiên - Huế diễn ra. Thắng lợi triệt để và trọn vẹn của chiến dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và quân dân Trị Thiên - Huế nhanh chóng xây dựng chính quyền nhân dân, ổn định cuộc sống, thiết lập trật tự và phát huy được sức mạnh mới của cách mạng, trước mắt là tập trung, động viên sức người, sức của chi viện cho cuộc tổng tiến công giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Trong suốt 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Năm nay kỷ niệm 110 ngày sinh của Người (25/8/1911 – 25/8/2021) là dịp chúng ta có thể nhìn lại những cống hiến vĩ đại mà Đại tướng đã giành cho dân tộc Việt Nam, từ đó giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phấn đấu xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, gắn bó mật thiết với Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Thanh Nhạn

 

[1,2,3,4] Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2006.

[5] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập VIII, NXB Chính trị quốc gia, tr.329,341.

1169 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 886
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 886
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87026736