Đại thắng mùa Xuân 1975 – Thắng lợi của ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng 

Cách đây tròn 43 năm, thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1974), 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), 117 năm chống đế quốc, thực dân phương Tây (1958-1975), quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giải phóng miền Nam, đưa lại độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên phạm vị cả nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù Việt Nam giành chiến thắng lẫy lừng, nhưng cho đến nay, nhiều học giả trong nước lẫn quốc tế vẫn không thể lý giải được vì sao dân tộc Việt Nam - một nước nhỏ lại có thể thắng một cường quốc lớn hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh về quân sự: So sánh tương quan lực lượng, dân số nước ta lúc đó chỉ xấp xỉ 1/6 của nước Mỹ; đặc biệt, nếu so sánh về lực lượng quân sự, nhất là về trình độ khoa học - kỹ thuật thì chênh lệch quá lớn. Qua 5 đời tổng thống, kéo dài 222 tháng và 4 lần thay đổi “chiến lược chiến tranh”, song, kết cuộc vẫn là thảm bại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ. Riêng đối với nước ta, trải qua một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và hy sinh rất nhiều xương máu, chúng ta đã thắng lợi bằng ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng của một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, sâu sắc.

Ý chí và khát vọng đó thể hiện rõ nhất ở quyết tâm chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù lớn mạnh. Ngay từ khi mới bước vào trận đấu, Đảng ta đã nêu cao khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của  đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà" (1)

Đối đầu với một nước lớn, Đảng và nhân dân ta không mảy may ảo tưởng về kẻ thù, cũng không hề choáng ngợp trước tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ của đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Mỹ không mạnh”. Đây là một kết luận rất khoa học, vừa thể hiện ý chí quyết tâm, vừa thể hiện phương pháp so sánh lực lượng theo quan điểm biện chứng - vừa có căn cứ thực tiễn, vừa dự báo xu hướng vận động của tình hình trong nước, trong khu vực và trên thế giới liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trên cơ sở phương pháp xem xét cách mạng, khoa học về so sách lực lượng, thấy được sức mạnh lớn lao của toàn dân, toàn quân ta, của ý chí và khát vọng thống nhất Bắc - Nam, của khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao nhất tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, “Không có gì quý  hơn độc lập tư do”, “31 triệu đồng bào nam bắc là 31 triệu dũng sĩ diệt Mỹ”, khơi dậy tinh thần yêu nước, nghị lực sáng tạo của mỗi người và của toàn dân tộc để đánh Mỹ, thắng Mỹ. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để để đánh thắng giặc Mỹ xâm l­ược”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành ý chí quyết tâm và hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thời đánh Mỹ.

Đế quốc Mỹ đã sử dụng những loại vũ khí hiện đại nhất để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng chúng vẫn thất bại. Bom đạn quân thù không thể nào dập tắt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, không thể nào phá được thế trận lòng dân và làm nguôi đi chí căm hờn của hàng triệu trái tim, khối óc chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho khát vọng hoà bình, thống nhất non sông. Đó chính là cội nguồn sức mạnh bảo đảm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong thử thách ác liệt, dài ngày của chiến tranh, đồng bào, chiến sĩ miền Nam vẫn giữ vững ý chí sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh, sáng tạo ra những thứ vũ khí, những phương thức và cách đánh rất đa dạng, phong phú, lần lượt đánh bại các chiến lược của địch. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quân và dân miền Bắc vừa anh dũng chiến đấu, đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa lao động sản xuất, dốc sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn đánh giặc.

Đế quốc Mỹ dựa vào bộ máy chiến tranh khổng lồ với những loại vũ khí công nghệ hiện đại nhất để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đảng ta có một chiến lược đúng đắn, sáng suốt mà cốt lõi là dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn; có “hàng  triệu  bộ óc không bao giờ ngừng tìm tòi cách tốt nhất để đánh bại chúng trong mọi tình huống, đánh chúng bằng mọi phương tiện, theo muôn hình vạn trạng”. Truyền thống toàn dân đánh giặc, nghệ thuật “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đoản binh chế trường trận”… của ông cha đã được quân và dân ta phát triển lên một tầm cao mới với muôn vàn phương thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo.

Ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng còn thể hiện trong việc xác định nhiệm vụ chiến lược cho cuộc cách mạng của Đảng ta: Đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược nhằm một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất Tổ quốc.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn. Bảo vệ miền Bắc là nhiệm vụ của cả nước, vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa là hậu phương lớn của miền Nam và ngược lại chỉ có kiên quyết chiến đấu giải phóng miền Nam mới bảo vệ được miền Bắc.

Với vai trò là “hậu phương lớn” cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên những phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt như phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”, học sinh “làm nghìn việc tốt”… Thực hiện mục tiêu duy nhất là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ý chí và khát vọng chiến thắng của Đảng và nhân dân ta còn thể hiện ở tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Với tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta với ý thức sâu sắc “giúp bạn là tự giúp mình”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế; Xây dựng, cũng cố liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia; không cho phép Mỹ dùng nước này để uy hiếp hoặc xâm lược nước kia. Nhờ đó chúng ta đã tạo nên thế lực vững chắc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân 3 nước Đông Dương cùng nhau chống Mỹ xâm lược.

Như vậy, có thể khẳng định, sau 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, Đảng ta đã rút ra được những bài học hết sức qúy báu, làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm cho cách mạng việt Nam, bài học đó cụ thể là:

Thứ nhất: Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, là những nhiệm vụ mà Đảng ta phải nỗ lực phấn đấu nhằm xây dựng nước ta trở thành một nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai: Luôn chăm lo và biết phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Luôn biết phát huy tốt nhân tố con người, coi đó là hạt nhân chủ yếu của khối đại đoàn kết toàn dân, quán triệt sâu sắc bài học xuyên suốt: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Thứ ba: Luôn biết giữ vững ý chí và niềm tin trong bất kỳ tình huống nào. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang có những thuận lợi lớn khi được sống trong một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập. Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, chúng ta có những cơ hội to lớn trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó là những thách thức to lớn: An ninh thế giới bị đe dọa nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm họa môi trường…); Những diễn biến phức tạp diễn ra trên biển Đông đã tác động bất lợi đến nước ta; Các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hoà bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới… những thách thức này là cản trở lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn giữ vững ý chí và niềm tin vào tinh thần dân tộc nhằm tạo ra sức mạnh tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức đưa nước ta tiến xa trên trường quốc tế.

Thứ tư: Luôn biết xây dựng thế trận lòng dân. Thế trận lòng dân và cội nguồn sức mạnh vô địch đã thôi thúc, động viên hàng triệu thanh niên, cả nam lẫn nữ, thuộc mọi thành phần dân cư ở khắp mọi miền của Tổ quốc lên đường phục vụ tiền tuyến, cầm súng diệt giặc, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thế trận lòng dân cũng đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để những người ở lại hậu phương miền Bắc tay cày, tay súng; tay búa, tay súng đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Ngày nay, trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thế trận lòng dân được cũng cố sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân nhằm tăng thêm sức mạnh trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong tình mới.

 Thứ năm: Phải luôn xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết chiến đấu với các nước Đông Dương.

Tổng kết ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng vĩ đại trong mùa Xuân năm 1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc" (2). Châu Minh

 

 

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t 26, tr.634.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t 37, tr.471.

 

1649 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 527
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 527
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209208