Đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương và hơn 10 nghìn tăng ni, phật tử của 64 tỉnh thành cả nước cùng đông đảo cựu chiến binh, đặc biệt có 300 Chiến sĩ Thành cổ, đã đến tham dự đại lễ này.
Ông Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Trung ương Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 cho biết: “Cách đây 45 năm, hơn 10.000 đồng bào, chiến sĩ cả nước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng cho Thành cổ Quảng Trị, cũng là bảo vệ non sông gấm vóc, buộc kẻ thù phải ngồi lại đàm phán Hiệp định Paris 1972.
Thành cổ Quảng Trị từ đó trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lớp lớp cháu con noi theo tấm gương tiền nhân giữ gìn, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh”.
“Hàng ngày đều có hàng trăm lượt người đến Thành cổ Quảng Trị thắp những nén nhang sưởi ấm, tri ân hương hồn của các Anh hùng liệt sĩ. Đối với đại lễ cầu siêu là dịp để thể hiện nghĩa cử cao đẹp, uống nước nhớ nguồn đó của đạo lý dân tộc Việt Nam”, ông Tánh nhấn mạnh.
Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ.
Tại buổi lễ, nhiều cá nhân, tổ chức đã ủng hội gần 1 tỷ đồng để Ban tổ chức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các đồng đội còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thanh Bình