Đại học sáng nghiệp - xu hướng mới tại Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ở nước ta, mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo đang được quan tâm và là một lựa chọn tất yếu, là sự phát triển và chuẩn bị cần thiết để thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Phương Liên

Theo mô hình này, các trường đại học (ĐH) dù ở tầng nào cũng cần phải định hướng theo yêu cầu đổi mới sáng tạo. Đó là khẳng định của GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

Đại học khai sáng ra đời

Trong bối cảnh thế giới bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), Bộ GD&ĐT đang tổ chức nghiên cứu và xác định định hướng phát triển thích ứng của các trường ĐH ở nước ta.

GS Nguyễn Hữu Đức cho hay trước thế kỷ 20, ĐH chủ yếu chỉ thực hiện chức năng truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng nhân tài và đào tạo chuyên gia. Từ đầu thế kỷ 20, ĐH bắt đầu thực hiện cả hai chức năng đào tạo và nghiên cứu, vừa tạo ra tri thức mới thông qua nghiên cứu, vừa triển khai dịch vụ tư vấn. Ở mức độ này, ĐH đã có thể nghiên cứu và phát triển một số công nghệ theo đặt hàng của doanh nghiệp. Lúc đó, ĐH chưa thực thi được hoạt động sở hữu trí tuệ, nhưng có thể thương mại hóa tri thức thông qua hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).

Nghiên cứu mới được Cổng Thanh toán điện tử iPrice và Quỹ đầu tư 500 Startups thực hiện với 27 startup và 56 nhà sáng lập cho biết ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM được cho là “lò đào tạo” của các nhà sáng lập startup. Đây là 2 ĐH dẫn đầu về số lượng các nhà sáng lập startup theo học.

Trong số 56 nhà sáng lập startup Việt, có 6 người đã từng học tại ĐHQG Hà Nội và 5 người có bằng của ĐHQG TPHCM.

Từ đầu thế kỷ 21, cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường ĐH nghiên cứu tiên tiến phát triển rất mạnh mẽ.

Công nghệ được thương mại hóa. Văn hóa khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo được thiết lập. Về thực chất, đó là các ĐH sáng nghiệp (Entrepreneurial University) hoặc ĐH định hướng đổi mới sáng tạo (Innovation-driven University). Thành công của mô hình ĐH này đã góp phần tạo ra các tiền đề cho cuộc cách mạng 4.0 hôm nay.

“Khi thảo luận với các nhà khoa học nước ngoài, chúng tôi đã bàn đến mô hình ĐH khai sáng theo nghĩa ĐH không chỉ là nơi khai sáng cho loài người như đã từng thực hiện từ thế kỷ 18, mà còn khai sáng cho vạn vật, kết nối vạn vật, làm cho vạn vật trở nên thông minh và có ý thức, vừa thích ứng vừa dẫn dắt sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0”, GS Nguyễn Hữu Đức nói.

Đào tạo định hướng khởi nghiệp

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, ĐH định hướng đổi mới sáng tạo không chỉ hướng tới phục vụ cộng đồng tốt hơn mà còn hoạt động rất hiệu quả đối với việc quản lý sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tri thức ngay trong khuôn viên của mình, góp phần thực hiện tự chủ tài chính.

GS. Nguyễn Hữu Đức mô tả mô hình ĐH sáng nghiệp thông minh có 7 đặc trưng. Đó là: Đào tạo định hướng khởi nghiệp; nghiên cứu hàn lâm định hướng và kết hợp đổi mới sáng tạo; hoạt động đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp; ĐH thông minh dựa trên khoa học dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số; cơ chế tự chủ ĐH cao trong mối quan hệ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp; quá trình quốc tế hóa trong bối cảnh toàn cầu và đổi mới sáng tạo; và đặc biệt là đặc trưng về sự phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của ĐH với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Bám sát 7 đặc trưng của ĐH định hướng đổi mới sáng tạo, GS. Nguyễn Hữu Đứccho rằng các trường ĐH Việt Nam nên quan tâm triển khai một số nội dung mà ĐH Việt Nam cần tập trung để phát triển thích ứng tốt với cuộc cách mạng 4.0.

Trước hết, đào tạo phải hướng đến các kỹ năng mới, ngành nghề mới, chuẩn đầu ra mới và tiếp cận mới. Tinh thần sáng nghiệp của ĐH 4.0 phải được thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo; cấu trúc của từng chương trình đào tạo, từng giáo trình, từng bài giảng và phương thức tổ chức đào tạo. Đó là mô hình đào tạo “5 trong 1”.

Nghiên cứu cơ bản, hàn lâm phải ưu tiên định hướng đến đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần tổ chức các chương trình nghiên cứu tập trung hơn nữa đối với các công nghệ lõi của cách mạng 4.0, kể cả lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm hệ thống ươm tạo định hướng chuyển giao tri thức theo mô hình “4 trong 1” từ ý tưởng đến nghiên cứu sáng tạo; phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức hoặc/và khởi nghiệp. Trong đó, các vườn ươm kinh doanh, các doanh nghiệp xã hội phải được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, còn có thể phát triển các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh số, các mô hình kết nối dữ liệu số quốc gia và quốc tế.

Vận hành tốt cơ chế tự chủ ĐH cao trong mối quan hệ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp (mô hình 3 trong 1), tích hợp tốt các nguồn vốn chính sách (từ Chính phủ, nguồn vốn tri thức của các trường ĐH và nguồn đầu tư của doanh nghiệp). Hoạt động quốc tế hóa đại học cũng được vận hành hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

GS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, trường ĐH định hướng đổi mới sáng tạo không theo đuổi mục tiêu kinh tế mà mục tiêu này được tích hợp cùng với mục tiêu phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn của các trường ĐH cho xã hội.

Việc phát triển các sản phẩm hoàn chỉnh, hướng đến người dùng trực tiếp, thương mại hóa trực tiếp, góp phần gia tăng giá trị được triển khai trong khuôn viên đại học không chỉ là một xu thế mà còn để tăng cường tự chủ ĐH.

ĐH còn có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, trước hết là phục vụ trực tiếp địa phương, vùng-nơi đại học hoạt động, bao gồm cả việc cung cấp nguồn nhân lực, cả việc hợp tác chuyển giao tri thức, tăng nguồn thu từ cộng đồng và địa phương.

Để tiếp cận mô hình ĐH 4.0, ĐHQG Hà Nội đã kiến tạo các điều kiện để có thể mở các chương trình đào tạo mới, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng các công nghệ lõi của cách mạng 4.0. Đặc biệt, trong nghiên cứu, ĐHQG Hà Nội không chỉ quan tâm đến số lượng các công bố quốc tế mà quan tâm thúc đẩy việc đăng ký phát minh, sáng chế, quan tâm đến ảnh hưởng của các nghiên cứu cơ bản đến các phát minh sáng chế thế nào. Đây là một chỉ số cơ bản của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm cơ sở cho hoạt động chuyển giao tri thức.

ĐHQG Hà Nội đã khánh thành tòa nhà ươm tạo tài năng và hỗ trợ khởi nghiệp - một không gian dành riêng cho các hoạt động chuyển giao, giám định công nghệ, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Một số ý tưởng khởi nghiệp đã bắt đầu được đầu tư cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ. Nhà trường cũng đang nỗ lực xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để thúc đẩy hoạt động này một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Phương Liên

624 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1032
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1032
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76727830