Đại diện DN Hoa Kỳ: Cần ghi nhận đúng mức nỗ lực cân bằng thương mại của Việt Nam  

(Chinhphu.vn) – Các biện pháp trả đũa khác nhau, trong đó có điều chỉnh thuế quan, có thể có tác động lớn với chính các công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam. Thay vì tìm kiếm các biện pháp trừng phạt, Chính phủ Hoa Kỳ nên phối hợp tìm kiếm giải pháp mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của mình vào thị trường này. Khi đó, Việt Nam có thể điều chỉnh thặng dư thương mại ngày càng tăng với Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Đây là ý kiến của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội khi trao đổi Báo điện tử Chính phủ xung quanh việc Việt Nam (cùng với Thuỵ Sĩ) bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ “dán nhãn” thao túng tiền tệ sau khi thống kê 3 tiêu chí về thương mại và tiền tệ.

 

 

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội.

Ông Adam Sitkoff phân tích, sự tăng trưởng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ dường như được thúc đẩy chủ yếu bởi việc di dời và tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 
 

“Chúng tôi cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump nên coi xu hướng này là bằng chứng về sự thành công của họ trong việc thực hiện chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, Hoa Kỳ cần tránh các biện pháp trả đũa chống lại kết quả hợp lý từ các mục tiêu chính sách của chính mình”, ông Adam Sitkoff nói.

 
 

Ông Adam Sitkoff đánh giá, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển một mối quan hệ thương mại lành mạnh, tạo ra việc làm, nguồn thu thuế và cơ hội cho công dân của cả hai nước.

 

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng nhận được hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài từ các công ty Hoa Kỳ mỗi năm - phần lớn trong số đó là để xây dựng các chuỗi cung ứng tích hợp có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.

 
 

Đồng thời, ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ và có nhiều cơ hội lớn cho nông nghiệp Hoa Kỳ, máy bay, năng lượng, thiết bị, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác đang giúp tạo ra của cải và việc làm ở trung tâm Hoa Kỳ.

 

Giám đốc điều hành AmCham cho rằng, thao túng tiền tệ không phải là vấn đề đối với tư cách thành viên của cộng đồng DN Hoa Kỳ tại đây. Bất kỳ hành động tiềm tàng nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế trừng phạt có thể gây tổn hại đến quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm qua. 

 
 

“Cộng đồng DN của chúng tôi tin tưởng vào cách tiếp cận hợp tác và chúng tôi muốn chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên các nỗ lực của mình đối với các vấn đề cấp bách hơn mà DN Hoa Kỳ đang phải đối mặt như: Chính sách phân biệt đối xử về thương mại và phát sóng kỹ thuật số, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan và thuế... ”, ông Sitkoff nhấn mạnh.

 

Ông Adam Sitkoff cũng kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết hiệu quả hơn tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để duy trì giao thương bền vững hơn giữa 2 bên.

 

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

 

Báo cáo này đã đưa vào Danh sách giám sát 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

 

Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sĩ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định là thao túng tiền tệ.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng việc quản lý tỉ giá hối đoái của Việt Nam, có ít nhiều sự can thiệp ngoại hối tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế, giảm cơ hội cân bằng cán cân thương mại.  Các chuyên gia lo ngại, điều này có thể dẫn tới nguy cơ các mức thuế trừng phạt đối với hàng tỷ USD nhập khẩu từ Việt Nam vào đầu năm tới.
 

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỉ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

 

Dưới góc độ ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Hoa Kỳ và có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích cân bằng với cả hai bên. 

 

Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh giữa hai bên, Việt Nam đều nỗ lực trao đổi, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở nhằm tháo gỡ các vấn đề.

 

Thực tế, từ trước, vấn đề chính sách tỉ giá, phát triển thương mại bền vững của Việt Nam với các đối tác quan trọng luôn được Chính phủ quan tâm.  Chính phủ cùng các bộ, ngành đang tích cực tăng cường đối thoại với các cơ quan đồng cấp Hoa Kỳ về vấn đề thương mại 2 nước.

 

Trong cuộc gặp với Cơ quan Phát triển tài chính Hoa Kỳ cuối tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, chính sách tỉ giá của Việt Nam không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế hay hỗ trợ cho từng ngành sản xuất. Trên thực tế, điều Việt Nam quan tâm nhất lúc này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, nếu phá giá mạnh VND, sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.

 

Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước cho rằng, về cán cân vãng lai thì xuất khẩu ròng tuy có thặng dư nhưng không quá lớn. Thực tế, phần chiếm tỉ trọng lớn trong cán cân vãng lai chính là kiều hối, mà kiều hối thì không phụ thuộc nhiều vào tỉ giá. Thực tế, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, có thặng dư, không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn với nhiều quốc gia khác khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Trong đó, xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng khá lớn. 

 
Hơn nữa, thời gian gần đây, các cơ quan quản lý cũng như các DN Việt Nam cũng có xu hướng chủ động tăng cường nhập khẩu nhiều hàng hóa, nguyên liệu… từ thị trường Hoa Kỳ. “Thực tế, việc mua ròng ngoại tệ là do cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư lớn, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp”, ông Trương Văn Phước nói.
 
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, BTC Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ. Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Hoa Kỳ.

Huy Thắng

211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1320
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1320
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154909