Đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô là hết sức quan trọng. Với thực trạng dòng tiền kho bạc nhà nước ra vào hệ thống ngân hàng những năm qua, đặc biệt là vào những thời điểm nhạy cảm khi áp lực tỉ giá đang căng thẳng, đại biểu đề nghị Thống đốc đánh giá sự phối hợp giữa NHNN, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách tốt nhất.
Về Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang sử dụng 1,2 triệu tỉ đồng tham gia vào thị trường trái phiếu Chính phủ, đại biểu đánh giá BHXH là một nhà đầu tư tầm cỡ, chi phối thị trường trái phiếu Chính phủ, hiện là đối thủ cạnh tranh lớn của mọi tổ chức tín dụng trên thị trường này. Ước tính tới hiện tại, thị phần của cả hệ thống tổ chức tín dụng là 46%, riêng BHXH chiếm tới gần 40% (chưa tính lượng trái phiếu ghi sổ đã được Bộ Tài chính nhận nợ trong quá khứ).
Theo đại biểu, trong tổng nguồn vốn hiện khoảng 1,3 triệu tỉ đồng của BHXH, có tới 1,2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 92% đã được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Đề nghị Thống đốc NHNN đánh giá về rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường của khối tài sản mà BHXH đang nắm giữ cũng như sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan BHXH Việt Nam.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo luật định, ngân hàng nhà nước là ngân hàng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi ở NHNN. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách, các khoản tiền của NHNN cho phép gửi ở các ngân hàng trong hệ thống.
Qua đánh giá tình hình thực tiễn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây tiền gửi ở kho bạc nhà nước khi chưa sử dụng, chủ yếu gửi ở các ngân hàng thương mại, còn những năm gần đây 80% chủ yếu gửi ở NHNN. Việc gửi tiền này cũng có tác động đối với hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, đối với việc gửi tiền ở hệ thống ngân hàng với khối lượng lớn, khi sử dụng sẽ có tác động đến hệ thống.
Do đó, thời gian qua, NHNN và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin để NHNN chủ động điều tiết tiền tệ. Đối với các tổ chức tín dụng phải nắm bắt thông tin thu chi ngân sách với khối lượng lớn trong thời gian ngắn để bản thân các tổ chức tín dụng chủ động điều tiết tiền tệ.
Để tránh trường hợp các ngân hàng sử dụng nguồn tiền cho vay mà không thu nợ được và gặp rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, không được sử dụng số tiền này để cho vay. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, số tiền này sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc cân đối và đảm bảo thanh khoản của các TCTD. Do đó, cần theo dõi sát và không chủ quan, có sự phối hợp lý để đảm bảo mỗi TCTD cân đối vốn an toàn cho hoạt động của mình.
Cùng tham gia chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đề nghị cho biết NHNN sẽ xử lý như thế nào trước tình trạng “chạy sô” tăng trưởng tín dụng của một số tổ chức tín dụng và giải pháp như thế nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN Việt Nam thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, nhưng có thêm một chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Vì vậy, mục tiêu điều hành của NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế do tác động lan truyền của nó, do vậy NHNN căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua, NHNN đã quyết định phải sử dụng công cụ room tín dụng để hạn mức tín dụng.
Thống đốc NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%, có những năm tăng hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.
NHNN Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành, khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các TCTD, NHNN đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD. Cùng với đó, NHNN thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.
Nguyễn Lý – Cẩm Nhung
https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-chat-van-nhom-van-de-thuoc-linh-vuc-ngan-hang-189644.htm