Đại biểu Quốc hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết 

(Chinhphu.vn) – Đại biểu Quốc hội cho rằng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết, việc thu giữ phải đảm bảo là quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.
Đại biểu Quốc hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết

Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Khống chế tỉ lệ sở hữu không đủ ngăn tái diễn vụ việc như Ngân hàng SCB

Góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa luật này để phù hợp với thực tế. Về tỉ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), dự thảo luật điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm so với quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Mục đích của việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng đến việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỉ lệ sở hữu cổ phần để thao túng chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.

Đại biểu An cho rằng vấn đề điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, việc khống chế tỉ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội.

"Khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15-20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỉ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó", đại biểu nói.

Theo đại biểu, việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng có bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối.

Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông. Đồng thời có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Góp ý vào việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, chỉ có loại hình ngân hàng thương mại mới có thể thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng bao gồm việc kinh doanh cung ứng thường xuyên, các nghiệp vụ nhận tiền gửi, cấp tín dụng... nhằm mục tiêu lợi nhuận. 

Với các loại hình tổ chức tín dụng còn lại đều bị giới hạn ở mức độ khác nhau về phạm vi, đối tượng và quy mô. Tương ứng với mỗi loại hình sẽ có những mức độ, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu khác nhau về quản trị, điều hành... Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, điều này có nghĩa gần như chỉ loại hình ngân hàng thương mại, bỏ qua những ngân hàng quá nhỏ mới có khả năng gây lên các vấn đề hoảng loạn, tháo chạy, hay đe dọa rủi ro, làm mất an toàn hệ thống. Những vấn đề như vậy chủ yếu nảy sinh từ những nguyên nhân khách quan như điều kiện kinh doanh tiền tệ bất ngờ thay đổi, xuất hiện các cú sốc tiêu cực, môi trường vĩ mô bất ổn, niềm tin lung lay...

Từ những phân tích trên, theo đại biểu, những sự cố nghiêm trọng như vụ việc tại Ngân hàng SCB mới đây lẽ rất khó xảy ra và hệ lụy lẽ ra không tiêu cực, tổn thất không lớn đến như vậy.

"Khi có những sự cố như vậy xảy ra, thông lệ quốc tế và bài học kinh nghiệm đắt giá của Việt Nam đúc rút được đều chỉ ra rằng Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng Trung ương nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống", đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng việc thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng đang có nhiều vướng mắc, khó khăn

Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu

Liên quan đến Chương XII về xử lý nợ xấu tại sản đảm bảo, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết, cũng cần phải xem xét bởi vì thu hồi này không phải tạo ra đặc quyền đặc lợi cho tổ chức tín dụng mà việc thu giữ theo nghị quyết để đảm bảo quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng, cần thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm và phù hợp với quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng đang có nhiều vướng mắc, khó khăn. Theo hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, toàn bộ các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ dưới luật. 

Đối với hoạt động ngân hàng, việc xử lý dữ liệu cá nhân, tác động tới dữ liệu cá nhân như thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy xuất, thu hồi không chỉ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mà còn để quản lý hoạt động ngân hàng, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống tiền tệ. Nhiều hoạt động xử lý dữ liệu khách hàng cá nhân không phải cần sự chấp nhận của khách hàng. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, thống nhất được nhiều nội dung lớn, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội.

Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời tham gia nhiều ý kiến đối với các quy định về chuyển tiếp, điều khoản thi hành, tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro, lãi dự thu, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay và cho vay đặc biệt, các quy định để minh bạch thông tin, ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các Chương, Điều, khoản trong luật, các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật. Ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được sớm tổng hợp để phục vụ quá trình tiếp thu, giải trình. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Hải Liên

203 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 909
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 909
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87215535