|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng phát biểu. |
Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế- xã hội tại Hội trường. Bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, các đại biểu Quốc hội đánh giá các chỉ số kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục khả quan so với cùng kỳ năm 2017 cũng như so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2018.
GDP quý 3 tăng cao hơn mức tăng của quý 2 và làm đảo chiều xu hướng giảm dần đều trong 3 quý liền trước. Điều này đã củng cố niềm tin cho nhiều dự báo hiện hành rằng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cũng chỉ ra những rủi ro của nền kinh tế mà Quốc hội, Chính phủ cần phải lưu ý, trong đó vị đại biểu bày tỏ sự đặc biệt quan tâm tới ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc.
Trong khi đó ở trong nước, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đã rất chật hẹp. Cụ thể, chính sách tài khóa tiếp tục phải “siết chặt”, chỉ còn trông chờ vào việc giải ngân số vốn đầu tư công đã dự toán cho từng năm và cả giai đoạn. Chính sách tiền tệ phải theo mục tiêu ưu tiên là giữ ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, nên rất khó nới lỏng để kích thích kinh tế khi Việt Nam phải sẵn sàng chịu đựng các “cú sốc” đến từ kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị nhìn nhận Việt Nam cũng có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang chuyển hướng ra khỏi một số quốc gia.
“Đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hóa giải được tình thế lưỡng nan, cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro, mối nguy tiềm ẩn bằng việc xác định rõ các động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và cả trung hạn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Đồng, đầu tư công có dấu hiệu hội phục, đầu tư tư nhân cũng tăng mạnh góp phần duy trì tăng trưởng ở mức cao, là cơ sở cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào FDI và tăng dần tỷ trọng của khối tư nhân trong nước. Ông Đồng đề nghị cần có sự dẫn dắt của một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tàu và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ thì sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ của Việt Nam, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo.
Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định “động lực cho tăng trưởng kinh tế tới đây chủ yếu phải trông vào các chính sách, giải pháp tác động từ phía tổng cung”. Thứ nhất, cần kiên định và nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó cần ưu tiên chính sách đầu tư mới, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời phải có hành động và cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước đầu tư mới sản xuất kinh doanh, để ổn định và mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ hai, phải quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, quan trọng nhất là thực hiện cho tốt chủ trương thu gọn khu vực kinh tế nhà nước, mở dư địa, khơi thông nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiệu quả hơn.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa đối tác thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.
Thứ tư, triển khai nhanh việc tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công thuộc các khối giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... nhằm tạo cho họ chủ động, tự chủ trong hoạt động có hiệu quả hơn, giảm dần sự bao cấp của NSNN, có thêm dư địa để đầu tư phát triển.
Kỳ tích trong bối cảnh thế giới biến động
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình cho biết đồng tình cơ bản với các báo cáo. Chính phủ đã xây dựng và triển khai rất kiên định các chương trình phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã ghi dấu ấn mới về các hiệp định thương mại tự do. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần một thập kỷ qua và theo đại biểu, đó là một kỳ tích trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn. Đại biểu phân tích các diễn biến tình hình thế giới có khả năng tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, thu hút FDI.
Về kiềm chế lạm phát, trong 3 năm qua luôn giữ được dưới 4%, đó là kết quả rất quan trọng, thể hiện bản lĩnh của Chính phủ. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc mục tiêu lạm phát khoảng 4% trong năm 2019.
Đại biểu cũng nêu ra một số vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp như chế độ kế toán, chính sách thuế... cần sửa đổi để dễ áp dụng và thuận lợi cho đội ngũ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như nhiều nước đã làm.
|
Thành Chung