|
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tháo gỡ “nút thắt” để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mở đầu chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP. Hà Nội) nêu vấn đề: Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch của 136 nền kinh tế, Việt Nam được xếp 30/136 về tài nguyên văn hoá, 34/136 về tài nguyên thiên nhiên, nhưng tổng thể cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế. Đại biểu đặt câu hỏi đâu là nút “thắt cổ chai” dẫn đến tình trạng này, những giải pháp đột phá?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chúng ta có nhiều điểm mạnh về du lịch nhưng những chỉ số thấp như hạ tầng du lịch (113/136), mức độ ưu tiên ngành du lịch, mở cửa quốc tế, miễn thị thực... đã làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Lý giải về 5 tháng đầu năm, du lịch tăng trưởng chậm, Bộ trưởng Thiện cho rằng một phần vì lượng du khách Trung Quốc giảm. Nhiều nước cũng mong muốn thu hút được du khách Trung Quốc.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa trong tỷ trọng của nền kinh tế đất nước. Giải pháp nào để giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn văn hoá?
Bộ trưởng cho biết ngành du lịch hiện mới đóng góp 9% GDP. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nêu rõ, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2020 du lịch sẽ đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế. Khi nào đóng góp 10% GDP thì mới có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, cần phải khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam như năng lực cạnh tranh, hạ tầng du lịch, quản lý nhà nước về du lịch…
Liên quan đến phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hoá, Bộ trưởng Thiện cho rằng, đây là vấn đề lớn đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý “mọi cái có thể xây dựng được, nhưng di sản văn hoá thì không thể làm lại được”.
Qua đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm như quy hoạch phát triển không quan tâm đến bảo tồn…
Lên án và phê phán mạnh mẽ hành vi mê tín dị đoan
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đặt câu hỏi: Cử tri cho rằng, việc xử phạt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại Chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tính chất và hành vi vi phạm và những tác động xấu đến xã hội. Mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với các hành vi này đã đủ sức răn đe chưa? Bộ có giải pháp gì để chống tái diễn hiện tượng trên ở chùa Ba Vàng và các cơ sở tâm linh khác?
Bộ trưởng cho biết, đây là hành vi vi phạm luật pháp, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống văn hoá, cần phải lên án và xử lý nghiêm. Địa phương đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng theo quy định của Nghị định 158/NĐ-CP. Mức phạt này còn thấp, có phạt 100 triệu đồng vẫn không lớn, nên cần phải tăng nặng.
Theo đó, quan trọng nhất là lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức. Kết hợp cả phê phán và lên án.
Đại biểu Châu Quỳnh Giang (Kiên Giang) chất vấn: Việc du khách bỏ trốn tại Đài Loan đã để lại hệ luỵ nặng nề, làm xấu hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trách nhiệm thuộc về ai, hướng khắc phục, ngăn chặn sự việc tương tự?
Bộ trưởng Thiện cho rằng, việc du khách bỏ trốn vừa qua là vết nhơ của du lịch Việt Nam, phải lên án và xử lý. Có trách nhiệm quản lý nhà nước Trung ương đến địa phương chưa tốt. Ở đây cũng có sự vi phạm, lừa đảo của doanh nghiệp du lịch lữ hành. Qua đó, cũng rút ra bài học là quan tâm hơn nữa khi cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Chúng ta cấp phép thông thoáng nhưng phải hậu kiểm tốt hơn.
Do đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, kiểm tra và thanh tra các công ty lữ hành, tuyên truyền và xử lý vi phạm, khuyến cáo khách chọn du lịch có uy tín, không nên nghe lời nói ngon ngọt của những công ty như vậy.
Có hay không quan chức góp vốn kinh doanh ‘chùa BOT’?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết: Báo cáo số 126 ngày 3/6/2019 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh. Vậy quan điểm của Bộ về việc thương mại hoá trong xây dựng một số công trình tâm linh mà đại biểu tạm gọi là “chùa BOT”. Có hay không một số quan chức đóng cổ phần vào xây dựng chùa để kiếm lời sau khi chùa đi vào hoạt động? Bộ Công an và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có giải pháp gì để xử lý hoạt động “lệch chuẩn” vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh?
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: Nhiều dự án tâm linh ở nước ta mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới. Báo cáo của Bộ cho biết, việc quản lý thu tiền công đức được công khai, minh bạch. Vậy tổng thu-chi tiền công đức mỗi năm là bao nhiêu, việc sắp xếp hòm công đức trong chùa ra sao?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Thiện cho biết, chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh việc thu-chi của tiền công đức, chỉ có văn bản của Bộ Văn hoá và Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức nhưng chỉ hướng dẫn là tiền này phải được sử dụng đúng mục đích.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 110/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, có quy định giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề này.
Về quy định đặt các thùng công đức, Bộ đã khuyến cáo, yêu cầu thực hiện nếp sống văn hoá chứ chưa phải là văn bản có tính chất pháp quy. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến này, căn cứ vào thực tiễn, phối hợp với các bộ ngành đề xuất đặt thùng công đức cho hợp lý”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu vấn đề, trong năm, Bộ chỉ cấp phép 6 cuộc thi người đẹp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cuộc thi ở các cấp, nhiều cuộc thi nhan sắc trá hình với tên gọi khác nhau, gây tiêu cực và dư luận không tốt. Bộ có thấy các cuộc thi như vậy là tràn lan hay không và nhìn nhận như thế nào và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết triệt để hiện tượng này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, các nước trên thế giới đều tổ chức các cuộc thi sắc đẹp để tôn vinh người phụ nữ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người. Theo quy định của Nghị định 79/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi năm chúng ta cấp phép tổ chức 1-2 cuộc thi hoa hậu toàn quốc, 4-5 cuộc thi hoa hậu vùng miền, lĩnh vực, địa phương. Số lượng cuộc thi không vượt quá quy định, nhưng do mỗi cuộc thi tổ chức nhiều vòng nên thấy nhiều.
“Không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để có những hoạt động kinh doanh hay làm lợi gì đó cho cá nhân hoặc tổ chức. Các cuộc thi đều được cấp phép, nếu không sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thời gian qua có một số cuộc thi được cấp phép nhưng làm không đúng”, Bộ trưởng cho biết.
Lê Sơn