Ông Hồ Rom cùng các anh chị em đã gắn bó với ngôi nhà hàng chục năm nay.
“Ngôi nhà chung” của gần 100 thành viên
Men theo con đường rải nhựa dốc hun hút, ngoằn ngoèo, nép mình bên những dãi núi cao ngút với gần 3 tiếng đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi mới đến được xã A Bung (huyện Đakrông) – một xã giáp ranh với nước bạn Lào, gồm 7 thôn, với 627 hộ, hơn 2600 khẩu, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm hơn 80%, còn lại là người Kinh và Vân Kiều. Đây là nơi vẫn còn lưu giữ ngôi nhà sàn truyền thống “siêu dài”. Và gần nửa thế kỷ trôi qua, ngôi nhà ấy vẫn ngày ngày được vị chủ hộ cẩn trọng gìn giữ.
Cách trục đường Hồ Chí Minh chừng 200m, ngôi nhà dài của hộ gia đình ông Hồ Rom (SN 1937) nằm ở thôn Cu Tài 1, xã A Bung dễ dàng nhận diện giữa những nếp nhà sàn và bê tông hóa với chiều dài riêng biệt, trên 70m.
|
Trải qua bao thế hệ, ngôi nhà dài của hộ gia đình ông Rom vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu |
Theo lời vị gia chủ, ngôi nhà dài này được dựng vào năm 1975. Sau hơn hai năm, với sự trợ giúp của 3 thợ làm và hàng chục người dân trong bản căn nhà mới chính thức hoàn thiện. Lúc đầu, ngôi nhà có chiều dài trên 100m và bề rộng hơn 10m, nhưng về sau, một số thành viên trong gia đình tách hộ ra ngoài dựng nhà riêng lập kinh tế nên chiều dài ngôi nhà đã bị thu ngắn lại còn hơn 70m.
Nhà được làm bằng gỗ (gồm gõ, lim, lát hoa, hương, cẩm lai...), sàn nhà là những thanh tre và nứa đan xếp vào nhau, phần mái lợp bằng tranh, và được dựng thành 2 phần. Phần thứ nhất là gian khách (hay còn gọi là ga) đặt ở vị trí trung tâm ngôi nhà: đây là nơi tiếp khách và tổ chức các nghi lễ hàng năm của gia chủ, đồng thời là nơi sinh hoạt chung của mọi thành viên trong nhà, gian khách càng rộng càng thể hiện lòng yêu mến khách của gia chủ.
Phần thứ hai là các gian ốc: gian này dùng để ở, gồm nhiều buồng nhỏ xếp theo thứ tự cấp bậc, trong đó giáp gian khách là của vợ chồng chủ nhà, sau đó là của vợ chồng các thành viên con cháu trong dòng họ. Ngoài bếp lửa chính đặt ở gian khách, thì trong tất cả các gian ốc đều có một bếp lửa riêng để tiện cho sinh hoạt của mỗi hộ gia đình.
Ban đầu, ngôi nhà dài của ông Rom là nơi cư trú của 7 hộ. Dần dần, những đứa trẻ lớn lên, lập gia đình và được sắp xếp một không gian riêng trong nhà để ở và số lượng hộ qua thời gian cứ tăng dần lên thành con số 22 hộ. Hiện tại, phần lớn các thành viên từng sống trong nhà dài đã tách hộ ra dựng nhà riêng, chỉ còn lại các cụ bô lão. Thế nhưng vào mỗi dịp cúng lúa mới hay lễ Tết truyền thống của người Pa Kô thì tất cả các hộ với gần 100 thành viên đều quay trở về ngôi nhà sum họp, quây quần bên bếp lửa.
Việc dựng nhà dài đối với người dân tộc Pa Kô là cách giáo dục con cháu tính đoàn kết. Anh em, con cái phải ở gần cạnh nhau để bảo ban, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau và đặc biệt lúc đau ốm có người kịp thời cứu chữa.
Ngoài căn nhà dài của hộ gia đình ông Hồ Rom, ở xã A Bung vẫn còn thêm một căn nhà nữa với chiều dài 40m nằm ở thôn Ti Nê với nét kiến trúc tương tự.
Trăn trở “bản sắc” bị xóa sổ
Trước kia, nếu đến miền sơn cước phía tây tỉnh Quảng Trị, không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà dài vững chãi tại các bản. Trung bình mỗi dòng họ có từ 1 đến 2 căn nhà dài. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng ngôi nhà dài của người Pa Kô cũng dần biến mất.
|
Một gian ốc trong ngôi nhà dài |
Trải qua hơn 40 năm, với nhiều lần tu sửa, căn nhà của hộ gia đình ông Rom đã phải đổi từ mái tranh bằng mái pờ-rô xi măng, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu. Cũng có rất nhiều người tìm đến nhà dài của ông Rom đặt nhã ý muốn mua lại căn nhà với giá vài trăm triệu đồng. Đồng thời còn hứa sẽ xây cho ông một ngôi nhà mới và sắm đầy đủ tiện nghi hiện đại… với điều kiện để họ dỡ nhà, lấy gỗ đi. Trái với sự kỳ vọng của họ, ông Rom đều lắc đầu không do dự và khẳng định chắc nịch “Tiền tỉ tôi cũng không bán đâu”.
Đối với ông, ngôi nhà dài là một niềm tự hào và là một “gia tài” vô giá, chẳng những của riêng ông mà còn cho cả dòng họ Ti Hò của mình. Việc bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà cũng đồng nghĩa với mong muốn để cho con cháu sau này hiểu được mỹ tục của ông cha thời xưa cũng như những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Giờ đây khi ở cái tuổi xế chiều, bệnh tật và cái chết chẳng làm người người đàn ông này lo sợ. Duy chỉ có một điều luôn khiến ông trăn trở khôn nguôi rằng một mai khi mình nhắm mắt xuôi tay liệu con cháu có còn mặn mà lưu giữ được ngôi nhà này như thế hệ ông cha hay không.
Cũng mang nặng tâm trạng như người em chồng, Bà Kăn Thiệp (SN 1944) – một thành viên trong ngôi nhà dài chia sẻ, từ ngày theo chồng bước vào căn nhà dài đến nay, ít khi bà Thiệp đi đây đó. Thậm chí, lúc 8 người con ra ở riêng, vận động mẹ về sống cùng, bà Thiệp cũng từ chối.
“Gần cả cuộc đời chúng tôi đều gắn bó với nếp nhà. Nhờ sống chung dưới một mái nhà mà tình cảm giữa các anh chị em luôn thắt chặt. Chỉ mong sau này, con cháu biết trân trọng gìn giữ thứ tài sản này của lớp trước để lại”, bà Thiệp tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Văn Hiền, Phó chủ tịch xã A Bung cho biết, theo dòng thời gian, trước cơn lốc đô thị hóa, ngày càng có nhiều gia đình ở trong các bản làng đã phá bỏ các ngôi nhà sàn dài truyền thống để làm nhà sàn bê tông, hay xây nhà trệt như người Kinh. Thế nhưng hàng chục năm qua, hộ gia đình ông Hồ Rom vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kô.
“Hiện tại, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cột gỗ lớn trong nhà cũng bị mối mọt ăn mòn, các buồng vách và sàn nhà cũng đã xập xệ… Chính vì thế, việc bảo tồn ngôi nhà để gìn giữ bản sắc văn hóa đậm đà của người Pa Kô rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức ban ngành, và sớm có phương án bảo tồn cho phù hợp. Tránh nguy cơ “xóa sổ” ngôi nhà dài hiếm hoi còn sót lại giữa đại ngàn Trường Sơn”, ông Hiền nói.