Đã xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia với tổng giá trị 900 tỷ đồng 

(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia với tổng giá trị khoảng 896 tỷ đồng, gồm 62.393 tấn gạo dự trữ quốc gia với giá trị khoảng 748 tỷ đồng và các mặt hàng vật tư, thiết bị giá trị khoảng 148 tỷ đồng.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: HT) 

Cụ thể, Tổng cục DTNN đã xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán là 16.920 tấn gạo; giáp hạt đầu năm là 1.339 tấn gạo; học sinh là 31.374 tấn gạo; dự án trồng rừng là 2.760 tấn gạo; xuất viện trợ 10.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho Cuba.

Tổng cục DTNN đã giao các cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp kịp thời vật tư, thiết bị gồm: 30 bộ xuồng; 1.220 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 159.730 chiếc phao cứu sinh các loại; 147 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ; 43 bộ máy phát điện các loại; 23 bộ thiết bị khoan cắt; 10 bộ thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp các mặt hàng gồm: 122 tấn hạt giống cây trồng; 100.000 liều vắc xin các loại; 259 tấn hóa chất sát trùng thủy sản; 15.000 lít hóa chất sát trùng cho gia súc gia cầm với giá trị khoảng 35 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh, ổn định sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia nhanh chóng, kịp thời, góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Việc xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia đã từng bước giúp người dân các địa phương vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Cục DTNN, ngành DTNN đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 đến nay chưa được cấp có thẩm quyền ban hành, gây khó khăn trong bố trí nguồn lực, xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch 5 năm, 3 năm và hàng năm về dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Dự trữ quốc gia đến nay chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu...; do đó, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN đang từng bước rà soát, đánh giá, tổng hợp nội dung để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng dẫn đến các quy định của pháp luật về đăng kiểm, kiểm tra chất lượng hàng hóa (trong đó có hàng hóa dự trữ quốc gia) phải thay đổi. Do đó, việc xây dựng, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, nhất là các mặt hàng có thời gian bảo quản dài ngày gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, việc thực hiện kế hoạch hàng năm trong những năm qua và trong những tháng đầu năm 2023 còn chậm; công tác giải ngân kinh phí còn kéo dài dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm kế hoạch. Đặc biệt, năm 2023, thời điểm các bộ, ngành được giao kế hoạch dự trữ quốc gia là 31/3/2023, muộn hơn so với những năm trước (giao ngay từ đầu năm); các bộ, ngành hoàn thành công tác phân bổ kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia vào thời điểm tháng 4, 5/2023.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, dự toán chi dự trữ quốc gia năm 2023 và năm trước chuyển sang; kịp thời trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị...

 
M.P
66 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 784
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 784
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77251336