|
Việt Nam đã xác định được danh mục gần 12.000 loài sinh vật biển. Ảnh minh họa |
Theo PGS.TS. Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, trải qua 3 giai đoạn phát triển (trước năm 1954, từ năm 1954-1975 và từ năm 1976 đến nay), công tác điều tra, nghiên cứu biển Việt Nam đã không ngừng gặt hái được những thành quả đáng kể.
Đặc biệt là giai đoạn từ sau khi đất nước thống nhất, tình hình nghiên cứu biển nói chung và nguồn lợi sinh vật biển nói riêng đã có những bước tiến khá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Nghiên cứu tổng thể về hệ sinh thái biển đã xây dựng bức tranh có hệ thống về đặc điểm điều kiện tự nhiên của dải ven biển, cung cấp khá hoàn chỉnh những quy luật cơ bản về vật lý biển và hóa học biển, phân bố và biến động của các hệ sinh thái cơ bản biển Việt Nam như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đầm phá, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều lầy ven biển… Đây là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chính trị-ngoại giao và an ninh-quốc phòng vùng biển, đặc biệt là kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái và bảo tồn biển ở các tỉnh ven biển Việt Nam.
Cùng với các nghiên cứu tổng thể về hệ sinh biển, các nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu cơ bản về tiềm năng tài nguyên sinh vật biển. Kết quả đáng chú ý là đã xác định được danh mục gần 12.000 loài sinh vật biển Việt Nam, bao gồm cả động và thực vật. Các nghiên cứu đã chứng minh nguồn lợi hải sản Việt Nam phong phú đa dạng bao gồm khoảng trên 2.000 loài cá, gần 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo, 5 loài rùa, 12 loài rắn biển...
Trong đó, có một số nhóm sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng như cá, tôm, mực… đã được xác định khu vực phân bố, trữ lượng và khả năng khai thác. Trữ lượng cá đáy và cá nổi khoảng 3-3,5 triệu tấn với khả năng khai thác khoảng 1,5-1,7 triệu tấn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đa dạng hóa về sản phẩm biển đang là hướng đi rất tích cực, nhằm giảm bớt áp lực lên các đối tượng khai thác truyền thống. Ngoài ra, việc thường xuyên nghiên cứu, biên tập Sách Đỏ Việt Nam cũng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển.
Đặc biệt, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học biển bảo vệ tài nguyên biển đã đạt được những kết quả khả quan. Một số biện pháp sử dụng các loài sinh vật có ích để bảo vệ môi trường cho từng khu vực hẹp đã bắt đầu có hiệu lực.
Các nhà nghiên cứu cũng thường xuyên chú ý đến việc đánh giá mức suy giảm nguồn lợi ven bờ và các nguy cơ đe dọa đến tài nguyên sinh vật, hủy hoại các hệ sinh thái biển Việt Nam…
Trên cơ sở điều tra, nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra những đề xuất nhằm bảo tồn đa dạng nguồn tài nguyên biển. Năm 2010 Chính phủ đã chính thức phê duyệt 16 khu bảo tồn biển là: Đảo Trần, đảo Cô Tô, đảo Cát Bà, đảo Bạch Long Vỹ, hòn Mê, đảo Cồn Cỏ, Hải Vân - Sơn Trà, Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn, Nam Yết, vịnh Nha Trang, núi Chúa, hòn Cau, đảo Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đây là minh chứng cho sự kết hợp giữa khoa học và quản lý đã mang lại những lợi ích thiết thực.
|
Ảnh minh họa |
Đánh giá chính xác tổng trữ lượng nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam
Đề cập về định hướng nghiên cứu sinh vật biển Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020, PGS.TS. Đỗ Công Thung cho rằng, các kết quả nghiên cứu hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật biển trong thời gian qua đã và đang khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đó là cơ sở khoa học phục vụ cho việc hoạch định khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn biển và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển trong nhiều năm qua cũng còn một số tồn tại cần khắc phục như: Định hướng nghiên cứu mới chỉ tập trung vào vùng nước ven bờ mà ít có những nghiên cứu vùng biển xa bờ; phần lớn các nghiên cứu mang tính cục bộ cho từng khu vực và chưa đồng bộ…
Với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới có thể vươn ra nghiên cứu đại dương, 10 năm tới đạt trình độ nghiên cứu sinh học biển ngang tầm khu vực và có những chuyên ngành ngang tầm các nước tiên tiến, các nhà khoa học Việt Nam hiện đang nỗ lực tăng cường đội ngũ cán bộ, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư trang thiết bị, tập trung hướng đến nghiên cứu toàn diện các vùng biển lớn.
Trong đó, công tác điều tra, nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển phải đi trước một bước. Quan trọng nhất là đánh giá đầy đủ, chính xác tổng trữ lượng nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam, chú trọng đến nguồn lợi sinh vật vùng biển xa bờ như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, vịnh Bắc Bộ… và chú trọng bổ sung nhằm đa dạng hóa nguồn tài nguyên biển như tài nguyên sinh vật có giá trị dược liệu, tài nguyên sinh vật ở các vùng biển sâu, tài nguyên sinh vật có giá trị kinh tế cao như thân mềm, giáp xác, da gai…
Đó là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu xây dựng bản đồ ngư trường đánh bắt thủy sản theo mùa và quy hoạch, quản lý tài nguyên biển theo vùng lãnh thổ, phục vụ hoạch định chiến lược khai thác tài nguyên biển.
Đồng thời, việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào bảo vệ tài nguyên và môi trường biển như xây dựng các khu bảo tồn biển, các mô hình phục hồi các hệ sinh thái, mô hình bảo vệ nguồn lợi… cũng là một việc làm quan trọng cần quan tâm thỏa đáng.
Trên cơ sở các thành quả đã đạt được trong những năm qua, ngành nghiên cứu tài nguyên môi trường biển hiện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm khắc phục những hạn chế, thiết thực góp phần vào việc khai thác, sử dụng hợp lý, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá do vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng của Biển Đông mang lại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.
(theo TTXVN)