|
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đối thoại với người dân. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sáng 1/3, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký thông báo kết luận của lãnh đạo Thành phố liên quan đến kiến nghị của các hộ dân thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bị ảnh hưởng ô nhiễm từ 2 nhà máy thép DANA – Ý và DANA – ÚC.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng giao Văn phòng UBND Thành phố tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực 2 nhà máy thép; trình Ban cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của thường trực Thành ủy. Thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 2/3.
|
Công ty Cổ phần thép DANA-Ý, một trong 2 công ty được yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo Thành phố, yêu cầu Công ty Cổ phần thép DANA – Ý và Công ty Cổ phần thép DANA – ÚC tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tạm dừng kể từ ngày 28/2.
Các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường.
UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo chính quyền huyện Hòa Vang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân được rõ, ủng hộ chủ trương của Thành phố và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước đó, vào các ngày 27- 28/2 hàng trăm người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đã có cuộc gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo Thành phố và huyện Hòa Vang về việc xử lý ô nhiễm của 2 nhà máy thép tại khu vực này.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Thành phố rất quan tâm và mong muốn giải quyết ổn thỏa những nguyện vọng của bà con. Lãnh đạo Thành phố đang cân nhắc, tính toán 2 phương án là di dời người dân và di dời nhà máy nhưng xét thấy cả 2 đều không phải là phương án tối ưu. Nếu di dời nhà máy thì thực sự rất khó khăn vì toàn Thành phố hiện nay không có vị trí phù hợp để có thể chuyển nhà máy đến.
Trước đây, các cơ quan chuyên môn đã đề xuất việc di dời 2 nhà máy lên KCN Hòa Nhơn, tuy nhiên đây lại là khu vực thượng lưu của nhà máy nước Cầu Đỏ nên có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước. Mặt khác, KCN Hòa Nhơn hiện đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nên để có thể di dời 2 nhà máy cũng phải sau năm 2020. Nếu di dời người dân thì sẽ gặp phải áp lực lớn từ việc bố trí tái định cư và kinh phí đền bù giải tỏa rất lớn.
Trước tình hình nhiều người dân tại cuộc đối thoại yêu cầu phải di dời nhà máy, ông Hồ Kỳ Minh cho biết sẽ báo cáo với Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố cho ý kiến quyết định và thông báo cho người dân vào ngày 5/3 tới.
Lưu Hương