Đà Nẵng: Đa dạng hỗ trợ giúp ngư dân vươn khơi, bám biển 

(Chinhphu.vn) - Để giúp ngư dân yên tâm bám biển làm giàu, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngoài việc tranh thủ các chính sách của Trung ương, Đà Nẵng còn có những chính sách riêng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.

 

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, có giá trị hơn 18 tỷ đồng của ngư dân Trần Văn Mười, Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết, tổng số tàu cá trên địa bàn đến nay là 1.614 chiếc. Trong đó, thúng máy 458 chiếc, tàu công suất dưới 90 CV có 394 chiếc, tàu công suất từ 90 CV trở lên có 502 chiếc. Đặc biệt, trong 502 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, có 389 chiếc tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Ngư trường khai thác chủ yếu là Quần đảo Hoàng Sa, biển miền Trung và vịnh Bắc Bộ.

Thành phố đã xây dựng được 96 tổ khai thác hải sản với 622 tàu hoạt động khai thác trên 3 vùng biển, vùng khơi 59 tổ (283 tàu), vùng lộng 12 tổ (75 tàu), vùng bờ 25 tổ (264 tàu). Mô hình tổ đội sản xuất trên biển đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân, góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực.

Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, trong những năm qua, Thành phố đã có những chính sách như hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay đã đóng mới được 73 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với các thuyền viên sản xuất trên các tàu có công suất từ 50 CV đến 90 CV (từ năm 2012 đến nay đã chi hỗ trợ cho 9.081 lượt thuyền viên người với tổng số tiền 525 triệu đồng)...

Ngoài ra, Thành phố đó còn hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, khay bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề, ứng dụng các trang thiết bị trong khai thác và hỗ trợ cho ngư dân không may gặp tai nạn trên biển.

 

Đà Nẵng sẽ có những chính sách giúp ngư dân bảo quản chất lượng hải sản tốt hơn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài những chính sách đã có, thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục và triển khai các chính sách hỗ trợ khác như chính sách nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ và bảo vệ nguồn thủy sản ven bờ. Theo đó, mục đích đến năm 2020, trên địa bàn Đà Nẵng không còn thuyền thúng gắn máy và ổn định số lượng khoảng 150 tàu cá vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20 CV với sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở lên.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ bảo quản để giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác, tổ chức đào tạo thuyền viên về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo trì tàu cá vỏ thép, vật liệu mới và kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau khai thác theo công nghệ mới.

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay Đà Nẵng đã phê duyệt cho 7 cá nhân đóng mới 7 tàu cá (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ). Tổng số tiền ngân hàng thương mại cam kết cho các tổ chức cá nhân vay vốn đóng mới tàu cá là trên 118 tỷ đồng, hiện nay đã giải ngân trên 86 tỷ đồng.

Hiện các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động đạt hiệu quả, phát huy được vốn đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế. Các ngư dân đã trả nợ được vốn và lãi cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, không bị nợ quá hạn, nợ xấu.

Lưu Hương

398 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1000
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1000
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185877