Đã đến lúc đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/Thành Chung

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Kế toán Việt Nam – Tương lai và triển vọng".

Dự và phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 25 năm đổi mới và cải cách, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế tài chính, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. 

Trong giai đoạn tới, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế - tài chính, về kế toán kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, giao lưu và giao thoa nhiều hơn. Nhiều hiệp định, điều ước, cam kết quốc tế sẽ được ký kết, triển khai sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán sẽ di chuyển tự do hơn. 

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số, nền kinh tế số đang trong thời kỳ khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới. 

Sự xuất hiện của điện toán đám mây, dữ liệu lớn Bigdata, Blockchain,... đã thay đổi căn bản và nâng cao hiệu quả trong quy trình xử lý, tổng hợp và truyền đạt và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán.

Tất cả những điều đó tác động rất mạnh đến toàn bộ công việc kế toán và kiểm toán, đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán, đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin, phương thức kiểm tra , đánh giá thông tin, cách thức truyền tải, tiếp nhận, khai thác thông tin và lưu trữ thông tin.

Cho rằng, đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai. 

 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năng lực đối với người làm kế toán, kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng tổ chức, quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, vận hành mạng, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế, tài chính do kế toán cung cấp... 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong tương lai, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. 

Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp... hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà kế toán, kiểm toán trao đổi, đưa ra những nhận định về xu hướng toàn cầu hóa, đánh giá về tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, của công nghệ số đến kế toán, kiểm toán; xác định lộ trình và phương thức áp dụng thành công chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Chuẩn mực Kế toán công quốc tế ở Việt Nam cũng như phát triển kiểm toán, bao gồm cả Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Độc lập, Kiểm toán Nội bộ ở Việt Nam theo thông lệ và chuẩn mực kiểm toán trên thế giới.

Hội thảo cũng chia sẻ những thông tin, những kinh nghiệm về đổi mới và phát triển kế toán, kiểm toán, bao gồm cả Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Độc lập; đồng thời nhận diện những tác động và chủ động có giải pháp thay đổi căn bản phương thức tạo lập, xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, hình thành và triển khai các giải pháp cần thiết từ thống nhất về nhận thức, hoàn thiện thể chế kinh tế, thiết lập mới các quy trình kế toán và kiểm toán đến phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuẩn bị các điều kiện mang tính kỹ thuật cho kế toán, kiểm toán Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/Thành Chung

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát triển Kiểm toán nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước, trong đó bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng kiểm toán, minh bạch hơn nữa trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng, góp phần quan trọng thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.

Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2035 đòi hỏi phải có sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt ngành kiểm toán phải chuẩn bị tâm thế để đón nhận mọi thời cơ và đương đầu với thách thức trong từng thời kỳ với quyết tâm chính trị mạnh mẽ đối với sự phát triển của Kiểm toán nhà nước.../.

Thành Chung

379 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1070
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1070
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87076073