|
Bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Quỹ PASTB hỗ trợ. Ảnh: Báo Lao động Thủ đô
|
Bệnh lao vẫn là "kẻ giết người hàng đầu" trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới: Đứng thứ 16 về số người mắc lao cao (giảm 4 bậc so với 5 năm trước) và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Ngày 26/9/2018, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Chính vì thế, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2019 của Việt Nam là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” (tức là với dân số 100 triệu, thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao/năm; hiện nay, ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn có 124.000 người mắc lao mới).
Mục đích là nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Đồng thời nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng chống lao. Góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác dự phòng, chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người mắc lao.
Với người mắc bệnh lao, tập trung tuyên truyền bệnh lao có thể chữa được, nhưng không được chủ quan, bởi số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia. Đối với những bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (Quỹ PASTB) hỗ trợ.
Nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB
Quỹ PASTB là quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc.
Mục tiêu cơ bản của quỹ này là hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ bệnh nhân lao, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia, Quỹ PASTB phối hợp với Cổng Thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ.
Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 10/3 đến 24h ngày 9/5. Với mỗi tin nhắn (không giới hạn tin nhắn) theo cú pháp TB gửi 1402, các bạn đã ủng hộ 18.000 đồng cho Quỹ PAST.
Ngoài gửi tin nhắn, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ trực tiếp cho Quỹ, hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ PASTB, địa chỉ: Tầng 1, nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội; số tài khoản: 16010000288699, ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở giao dịch 3.
|
Chi Mai